Trăn trở những vụ mía đắng

Trước năm 2017, cây mía từng là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên những năm gần đây người nông dân của tỉnh này đã không còn mặn mà với cây mía, khiến cho nhiều diện tích đất bị bỏ hoang hoặc sản xuất kém hiệu quả.

Nguyên nhân là do giá mía không ổn định, trữ lượng đường trong mía thấp, chi phí đầu tư cao, lợi nhuận không nhiều. Vì vậy, gần 5 năm trở lại đây người nông dân Khánh Hòa vẫn luôn trăn trở bởi những vụ mía “ đắng”.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa( Khánh Hòa), thu hoạch mía đầu mùa. Ảnh: Nguyễn Thị Vân /TTXVN

Ông Lê Bá Ninh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho hay, từ năm 2017 trở về trước, cây mía đường là một trong những loại cây trồng chủ lực được tập trung phát triển với diện tích quy hoạch ổn định khoảng 18.500 ha, với sản lượng hàng năm gần 1 triệu tấn mía cây, cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy đường có công suất 12.000 tấn mía/ngày. Có hợp đồng tiêu thụ ổn định, đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân, góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 10 về tiêu chí thu nhập theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Từ năm 2018 đến nay, trong tình hình chung của cả nước, ngành mía đường tỉnh Khánh Hòa cũng gặp không ít khó khăn như diện tích sản xuất nhỏ nên khó áp dụng cơ giới hóa. Toàn bộ diện tích mía đều nhờ vào nước trời, chưa có công trình thủy lợi phục vụ tưới cho cây mía, tình hình bất lợi của thời tiết, bệnh trắng lá mía bùng phát mạnh… nên năng suất mía bình quân chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha. Giá đường trong nước ngày càng giảm do việc giảm thuế nhập khẩu đường theo hội nhập quốc tế tác động làm cho giá thành thu mua mía cây giảm từng năm đã tạo sức ép cho ngành mía đường tỉnh Khánh Hòa là rất lớn, hiện diện tích mía trên địa bàn tỉnh niên vụ 2020-2021 giảm còn 12.500 ha” ông Ninh phân tích.

Tại cánh đồng mía của người dân xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, những ngày này chỉ thấy lác đác có một số hộ dân đang thu hoạch mía đầu mùa. Trái với khung cảnh tấp nập vào vụ mía như những năm trước, trên cánh đồng thưa cả mía lẫn người nông dân. Trong khi đây được xem là vùng mía trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.

Tại ruộng mía của gia đình chị Võ Thị Hậu Phương, ở thôn Trung, xã Ninh Tân, là một trong những hộ có diện tích mía tốt trong vùng đang thu hoạch bán cho nhà máy của Công ty đường Việt Nam (thành phố Cam Ranh).

Chị Phương cho biết, vụ này gia đình chị trồng 1,5 ha thu hoạch mía cho năng suất khoảng 40 tấn/ha, với trên 10 chữ đường, được thu mua với giá 920 nghìn đồng/tấn. Đó là nhờ gia đình chị đầu tư chăm sóc. Cũng theo chị Phương, với năng suất, trữ lượng đường và giá mía bán ra trong niên vụ 2020-2021 cao hơn niên vụ trước nhưng tính ra lãi không đáng là bao. Nhưng không làm thì cũng không có gì để thu hoạch. 

Còn tại ruộng mía của gia đình anh Hồ Quang Hiếu, ở thôn Bắc, xã Ninh Tân, cây mía còi cọc, phát triển kém. Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng mía, anh Hiếu dự kiến tổng sản lượng thu hoạch toàn bộ diện tích chỉ đạt khoảng 100 tấn. Vì vậy, khi gia đình thu hoạch bán với giá hiện nay cũng không hiệu quả lắm. Do đó, anh Hiếu đang tính sau vụ này sẽ bỏ mía, nhưng cũng không biết chuyển sang trồng cây gì.

Ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân cho biết, cách đây khoảng 5 năm, mía là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, việc trồng mía không còn hiệu quả kinh tế. Từ đó diện tích mía trên địa bàn liên tục giảm. Đến vụ này toàn xã chỉ còn 500 ha, giảm 800 ha so với năm 2019.

Ông Vũ cũng cho biết, sở dĩ người dân không mặn mà với cây mía là vì những năm gần đây hiệu quả kinh tế thấp. Cộng thêm biến đổi khí hậu, mưa nắng, bão lũ thất thường ảnh hưởng năng suất, chất lượng cây mía. Ngoài ra, nông dân thu hoạch mía cũng gặp nhiều khó khăn như công lao động khan hiếm, chi phí vận chuyển mía tăng cao... Trong khi giá mía thu mua ở mức thấp, như vụ mía 2017-2018 chỉ khoảng 780.000 đồng/tấn nên nông dân không được lãi lời nhiều.

Chú thích ảnh
Do thiếu nước nên chữ đường trong mía đạt thấp, người trồng mía Khánh Hòa mong chờ có nguồn nước tưới tiêu để phát triển cây mía hoặc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Nguyễn Thị Vân/TTXVN

“Dù niên vụ mía này, các nhà máy thu mua ở mức cao từ 920.000-950.000 đồng/tấn nhưng cũng không hiệu quả. Bởi đa số diện tích là mía lưu gốc lại không đầu tư chăm sóc nên dẫn đến kém chất lượng. Dự kiến những vùng mía tốt năng suất ước khoảng 40-50 tấn/ha thì người dân bị thua lỗ. Chính quyền cũng rất trăn trở vì hiện tại chưa biết khuyến khích bà con chuyển đổi sang cây trồng cây gì. Còn với năng suất như hiện tại thì người dân cũng bỏ mía rất nhiều, toàn xã giờ chỉ còn 20%-30% số hộ trồng mía”, ông Vũ nói.

Dọc theo Tỉnh lộ 5, ở các xã Ninh Xuân, Ninh Tây ghi nhận việc thu hoạch mía diễn ra khá trầm lắng. Nhiều ruộng mía còi cọc, kém phát triển do nông dân “bỏ mặc” không đầu tư chăm sóc. Thậm chí nhiều diện tích trước đây trồng mía, nay thay vào là cỏ mọc um tùm.

Theo nông dân trồng mía, hiện giá mía nguyên liệu được 2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua ở mức cao so với những năm gần đây.

Cụ thể, nhà máy đường của Công ty Đường Việt Nam (thành phố Cam Ranh) thu mua với giá 950 nghìn đồng/tấn. Nhà máy đường của Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa (thị xã Ninh Hòa) thu mua với giá 920 nghìn đồng/tấn, với mía đạt từ 10 trữ lượng đường. Nhưng người dân cũng không phấn khởi cho lắm, vì sản lượng mía thấp, không làm thì bỏ hoang đất, nhưng làm thì lại không có nguồn thu, thậm chí là thua lỗ.

Liên quan về việc chuyển đổi cây trồng, ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa cũng cho biết, Ninh Hòa là vùng mía trọng điểm của Khánh Hòa, song những năm gần đây cây mía không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Điều này thể hiện khi diện tích mía trên địa bàn ngày càng giảm.

Cụ thể, vụ mía năm 2020-2021 toàn thị xã chỉ còn 6.200 ha, trong khi trước đây khoảng 8.200 ha. Đối với niên vụ này, ông Liêm đánh giá dự kiến năng suất, sản lượng mía cũng không cao, do hầu hết nông dân “bỏ mặc” không đầu tư chăm sóc cây mía.

Trước tình hình này, thị xã Ninh Hòa đã có kế hoạch quy hoạch lại bản đồ thổ nhưỡng, nhằm mục đích chuyển cơ cấu cây trồng phù hợp. Từ đó, thị xã sẽ đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư thực hiện liên kết với các hợp tác xã để chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả hoặc bỏ trống sang trồng cây mới như thơm, dứa…phục vụ trong nước và xuất sang nước ngoài. Hướng đến chuyển đổi cây trồng hiệu quả và bền vững cho nông dân.

Ông Lê Bá Ninh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà cũng nói thêm, những diện tích trồng mía chủ yếu là vùng không có nguồn dẫn nước tưới tiêu, khó chuyển đổi được cây trồng khác. Do vậy năm 2019 sở cũng có văn bản hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng tại các diện tích trồng mía mà người dân tận dụng được nguồn nước tưới tiêu hoặc chuyển sang cây lâm nghiệp, cây điều đối với những diện tích khó khăn về nước tưới.

Hiện ngành nông nghiệp và nông dân Khánh Hòa đang hy vọng việc sớm hoàn thành, đưa vào vận hành dự án Hồ chứa nước Sông Chò 1 do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Có như vậy mới giải quyết được bài toán về nước tưới tiêu cho nhiều diện tích đất sản xuất của người nông dân trong tỉnh.

Thanh Vân (TTXVN)
Tạo lập thị trường cạnh tranh công bằng để phát triển ngành mía đường
Tạo lập thị trường cạnh tranh công bằng để phát triển ngành mía đường

Ngành mía đường đang đứng trước nhiều thách thức khi hàng nhập lậu tràn lan và sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng ngoại nhập. Theo các chuyên gia, cần có những giải pháp để tháo gỡ “nút thắt” cho ngành mía đường như áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng liên kết chuỗi…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN