Sản lượng giảm mạnh
Là khu vực trọng điểm về trái cây, hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị vào vụ trái cây hè. Tuy nhiên, tình hình khô hạn kéo dài kèm với xâm nhập mặn đã khiến nhiều nhà vườn đối mặt nguy cơ mất mùa. Chỉ tính riêng 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã có hàng nghìn ha cây ăn trái bị nhiễm mặn có nguy cơ mất trắng. Nhiều loại cây như chôm chôm, măng cụt... đã ra bông, kết trái nhưng tỷ lệ đậu quả rất ít. Theo các nhà nông, thời tiết bất lợi sẽ khiến năng suất trái cây giảm từ 15 - 25% so với vụ trước.
Hàng nghìn cây bơ giống của nông dân ở Bến Tre bị cháy lá do nước nhiễm mặn. |
"Mùa khô năm nay đến sớm hơn 1 tháng so với mọi năm đã tác động mạnh đến năng suất cây trái. Do không có nước tưới, trái cây có chất lượng thấp, sản lượng bị sụt giảm. Gia đình tôi có hơn 3 ha thanh long, chôm chôm, mít... nhưng đa phần đang bị khô bông, trái non rơi rụng đầy vườn. Năng suất giảm khoảng 20%", anh Nguyễn Văn Hùng ở huyện Gò Công (Tiền Giang) chia sẻ.
Còn gia đình chị Lê Kiều Trinh (ấp Tân An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, Bến Tre) năm nay ươm 17.000 cây bơ giống. Hiện cây bơ đã được 5 tháng, chỉ còn vài tháng nữa là có thể ghép cành nhưng do nguồn nước nhiễm mặn nên lá bơ bị cháy và rụng dần. Không chỉ vườn cây bơ giống, vườn chôm chôm, mãng cầu với khoảng 60.000 cây của gia đình chị cũng bị cháy lá, rụng trái. Giờ chị Trinh chỉ còn biết… chờ trời mưa bởi không kiếm đâu ra nguồn nước tưới cây.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng xấu đến vườn cây ăn trái của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi bị nhiễm mặn, cây sẽ không hút được nước, không hấp thu được dinh dưỡng và nếu bị nặng sẽ làm cây bị ngộ độc, héo và chết.
Trong khi đó tại Bình Thuận, vựa thanh long của cả nước, tình trạng hán hán cũng khiến năng suất thanh long bị suy giảm. Chia sẻ với Tin Tức, chị Huỳnh Thị Tú, Công ty TNHH Thương mại Lộc Tú, cho biết: “Cây thanh long sống nhờ nước mà nước không có nên cây bị héo vàng, không đủ sức cho ra quả. Chắc mùa này năng suất không có đâu”.
Tuy nhiên, hiện 80% sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên theo chị Tú, nguồn cung trong nước không bị ảnh hưởng nhiều.
Hàng ít, giá tăng
Khảo sát của phóng viên tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện các loại trái cây đang hút hàng và tăng giá. Tại các chợ truyền thống, giá cam là 20.000 - 25.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; chanh tăng 3.000 đ/kg, thanh long tăng gần 2 lần so với tháng trước. Chôm chôm tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, hiện có giá 30.000 - 50.000 đồng/kg. Giá sầu riêng cũng đang tăng mạnh từ 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng các nhà vườn vẫn không đủ cung cấp cho thương lái.
Nguồn cung trái cây tại các siêu thị giảm nhẹ. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN |
Còn tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long... giá bưởi da xanh, năm roi cũng tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 3. Sản lượng bưởi da xanh đã giảm hơn 50% so với mọi năm.
Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP Hồ Chí Minh, lượng rau củ quả về các chợ đầu mối tại TP vẫn ổn định, song một số mặt hàng có sự tăng giá. Cụ thể, khoai tây, dưa leo, khổ qua, hành trắng, dưa hấu, mãng cầu… tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhóm hàng rau an toàn tăng 1.000 -4.000 đồng/kg tùy loại. Tại các đại lý gạo, giá gạo cũng đã tăng 500 - 1.000 đồng/kg từ mấy ngày nay do đầu mối cung cấp tăng giá. Hiện giá gạo tẻ thông dụng tại các cửa hàng dao động 11.500 - 12.500 đồng/kg. Một số đại lý lý giải: Nguồn cung sụt giảm trong khi các doanh nghiệp tập trung gom lúa xuất khẩu nên giá gạo trong nước tăng nhẹ.
Còn tại Hà Nội, do ở xa khu vực hạn mặn, có thể chủ động những nguồn cung khác nên tình trạng tăng giá ít xảy ra. Tuy nhiên đã có thể ghi nhận những dấu hiệu ban đầu về khan kiếm nguồn cung. Khảo sát tại siêu thị Fivimart trên phố Lý Thái Tổ, gian hàng thanh long chỉ có rất ít hàng và trái nhỏ cỡ 2 - 3 trái/kg. Các gian hàng bơ sáp, ổi Tiền Giang, sầu riêng, bưởi da xanh, bưởi năm roi Mỹ Hòa… đều có khá ít hàng. Một nhân viên đang giao nhận các hộp nho xanh Ninh Thuận cho biết, gần đây hàng không về nhiều như trước và trái nho cũng nhỏ hơn.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tại các siêu thị vẫn còn nguồn cung cũ đang được bày bán nên giá vẫn cơ bản ổn định. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng tới, khi nguồn cung khan hiếm thì giá có thể bị ảnh hưởng. Một số mặt hàng như chôm chôm, sầu riêng, kể cả lúa gạo có thể tăng giá.
“Tuy nhiên, các siêu thị đã nhanh nhạy nắm bắt diễn biến thị trường để tìm những nguồn cung mới từ nhập khẩu hoặc các vùng trái cây miền Bắc”, ông Phú nói.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta thấy rõ những tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn cung trái cây, nông sản trong nước. Điều này cũng giúp chúng ta nhìn nhận và chủ động với những thách thức mới có thể xảy ra với thị trường trong nước. Theo các chuyên gia, hạn mặn mới xuất hiện vài tháng nhưng một số mặt hàng đóng vai trò quan trọng như lúa gạo, mía đường đã biến động thì cần phải nhìn nhận là chuỗi cung ứng của doanh nghiệp còn yếu kém.
Theo ông Vũ Vinh Phú, doanh nghiệp và các nhà quản lý phải nhạy bén với những biến động của thị trường để chủ động có giải pháp thích ứng. Cùng với đó, phải thắt chặt sợi dây liên kết trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ bởi nếu không, chưa cần đến những biến động của nguồn cung do biến đổi khí hậu thì giá hàng hóa đã tăng.