TP Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - Bài cuối: Không ngừng đổi mới

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, TP Hồ Chí Minh đã và đang từng bước phục hồi mạnh mẽ, qua đó tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.

* Tận dụng tối đa các nguồn lực

Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, UBND TP Hồ Chí Minh xác định các nguồn lực chính như sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gói hỗ trợ từ đề án giải pháp tài khóa, tiền tệ Chính phủ trình Quốc hội thông qua; trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về miễn giảm thuế phí, hỗ trợ lãi suất; tăng đầu tư công cho hạ tầng giao thông, hạ tầng số...

Chú thích ảnh
Cầu vượt trên đường Trương Sơn dẫn vào nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất được đưa vào sử dụng đã giảm áp lực giao thông cho khu vực. Ảnh tư liệu: Tiến Lực/TTXVN

Đồng thời, thành phố rà soát, lập danh mục toàn bộ cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng để phân loại nhà, đất thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý và nhà, đất không thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/9/2021 của Chính phủ, để tập trung khai thác nguồn thu từ đất đai vào phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố kiên trì kiến nghị Trung ương bố trí vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất thúc đẩy động lực tăng trưởng, kết nối liên kết vùng; đề xuất trung ương tăng thêm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của thành phố; trong đó, thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thông qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư; đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm để thu về nguồn ngân sách cho thành phố.

Ngoài ra, thành phố kiến nghị ban hành bổ sung chính sách tạo điều kiện cho cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng tự động hóa, đổi mới sáng tạo. Nguồn thu từ cổ phần hóa theo ước tính khoảng 52.661 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025).

Nguồn thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 14.535 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 14.535 tỷ so với Quyết định số 1535/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nguồn thu từ xổ số khoảng 19.691 tỷ đồng.

Việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư... và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế thành phố. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Chính phủ ban hành bổ sung gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và quan tâm đến các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với phát huy nội lực của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế thành phố, TP Hồ Chí Minh đang tận dụng tối đa các nguồn lực về chính sách, cơ chế, nhân lực… để phục hồi, phát triển kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường...

Để có thể đạt mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh đề ra các giải pháp như rà soát tổng thể, bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn lực tạo đà thúc đẩy phát triển trong giai đoạn tới; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đồng thời với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị như: Dự án đường Vành đai 3, đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, các dự án chống ngập …

Tại Diễn đàn hỗ trợ đầu tư do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các chuyên gia đáng giá cao năng lực phục hồi và tiềm năng phát triển và cho rằng thành phố đang đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Tuy nhiên, để tận dụng tốt thời cơ này, TP Hồ Chí Minh cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; cải thiện kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động và có một chiến lược thu hút đầu tư dài hạn. 

Để phát huy vai trò đầu tàu với khu vực, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cần hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển và đầu tư phát triển TP Hồ Chí Minh để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước, trọng tâm là tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, ban hành nghị quyết thay Nghị quyết 54 với những cơ chế đặc thù, vượt trội; đồng thời tập trung đầu tư để TP Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm logistics; trung tâm khoa học và đổi mới sáng tạo; trung tâm chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế; triển khai chương trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung khẩn trương triển khai nhiệm vụ xây dựng quy hoạch kinh tế xã hội, rà soát điều chỉnh quy hoạch chung; giải ngân đầu tư công để đạt mục tiêu cuối năm giải ngân đầu tư công, hàng tháng giao ban tháo gỡ vướng mắc, thành lập các tổ công tác như tổ giải phóng mặt bằng, tổ ODA…

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong nỗ lực xây dựng chính quyền thành phố minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thành phố đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm bằng cách yêu cầu các sở, ngành phải giải quyết các công việc tồn đọng hoặc các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội.

* Không ngừng đổi mới

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố vào cuối tháng 9/2021 vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố tiếp tục triển khai tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội để báo cáo với Bộ Chính trị và sau đó báo cáo với Quốc hội, mạnh dạn đề xuất với Trung ương, chọn thành phố để thực hiện thí điểm những vấn đề mới, những vấn đề cần thiết, phát sinh trước yêu cầu đổi mới sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để từ đó rút kinh nghiệm cho việc thực hiện chung cả nước.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Thành ủy về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế; trong đó, quan tâm đến vấn đề thuộc về thẩm quyền của thành phố có liên quan tới thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực y tế, văn hóa, giáo dục; tháo gỡ nhanh những rào cản, vướng mắc, giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; đẩy mạnh chuyển đổi số mang tính thực chất và kết quả, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp…

Ngoài ra, thành phố còn tiến hành rà soát tổng thể, bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn lực tạo đà thúc đẩy phát triển; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đồng thời với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, khởi công tuyến Metro số 2. Triển khai các dự án giải quyết “điểm nóng” sân bay Tân Sơn Nhất, đường cảng Cát Lái; các dự án có tính chất kết nối liên vùng Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Vành đai 3, 4; Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành...

Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ chủ chốt vào ngày 23/9 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, thành phố với nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội nhất cả nước và sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế cao đã được thực tế kiểm nghiệm, cần phải quyết tâm đẩy mạnh đổi mới hơn nữa, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Lưu ý một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế của thành phố gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; tăng cường, nâng cao năng lực và chất lượng việc thể chế hoá, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước sát hợp với tình hình, điều kiện cụ thể.

“Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội khóa XIV đã ưu tiên dành cho thành phố để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư lưu ý, thành phố tập trung ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

Cùng đó, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, đường sắt đô thị; phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển, đường sông, tạo sự kết nối thông suốt để phát huy tối đa các tiềm lực kinh tế của cả Vùng và Thành phố.

Mặt khác, sớm khắc phục tình trạng yếu kém về hạ tầng giao thông hiện nay, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông nội đô và các tỉnh lân cận; đồng thời, phải có các giải pháp căn cơ hơn nữa để xử lý các vấn đề về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cấp nước, thoát nước, chống úng ngập; xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng…

Với truyền thống và nội lực mạnh mẽ, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã từng bước được khôi phục, bật lên mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng sau đại dịch COVID-19, xứng đáng với vai trò đầu tàu phát triển của khu vực phía Nam và cả nước.

Hoàng Anh Tuấn -  Xuân Anh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - Bài 3: Không ít điểm nghẽn
TP Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - Bài 3: Không ít điểm nghẽn

Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã từng bước được phục hồi, trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, những điểm nghẽn của kinh tế thành phố trước đây cũng như những phát sinh mới được bộc lộ qua đại dịch COVID-19 cũng đặt ra những bài toán, giải pháp kịp thời để khắc phục, đưa kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN