TP Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - Bài 3: Không ít điểm nghẽn

Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã từng bước được phục hồi, trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, những điểm nghẽn của kinh tế thành phố trước đây cũng như những phát sinh mới được bộc lộ qua đại dịch COVID-19 cũng đặt ra những bài toán, giải pháp kịp thời để khắc phục, đưa kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.

 

Chú thích ảnh
Một góc Quận 2 với xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

* Nhiều lĩnh vực phục hồi chậm

“Qua theo dõi, tổng hợp, chúng tôi nhận thấy đà tăng trưởng của công nghiệp ở mức thấp. Dự báo từ nay đến cuối năm, nguy cơ mức tăng trưởng có thể tiếp tục ở mức thấp vì chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng. Thành phố không đặt vấn đề tăng nhanh về lĩnh vực công nghiệp trong những tháng cuối năm nhưng chúng ta cần phải có giải pháp để chặn đà giảm sâu”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh giá trị sản xuất và xuất khẩu đang giảm. Cụ thể, giá trị sản xuất trong tháng 8 ước đạt 1,389 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 1,094 tỷ USD, giảm 29,7% so với cùng kỳ và giá trị nhập khẩu đạt 0,989 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2022, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt hơn 16,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt hơn 12,5 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt hơn 12,4 tỷ USD.

Theo phân tích của ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, trên thực tế chỉ số sản xuất công nghiệp so với năm 2019 là năm trước dịch thành phố chỉ tăng được mức 1,2%. Đây là mức thấp, một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn còn tăng chậm. Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào. Tình hình lạm phát ở các nước ảnh hưởng xấu đến sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Cũng theo ông Hoàng, với độ mở lớn của nền kinh tế như TP Hồ Chí Minh nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp nhập khẩu chiếm hơn 42% khi giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường trong nước và sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Trong 8 tháng, 62% kim ngạch xuất khẩu của thành phố được tạo ra từ các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI), nền kinh tế phụ trợ và liên kết với khu vực kinh tế trong nước với FDI còn thiếu và lỏng lẻo. Điều này cho thấy, yếu tố chưa bền vững trong sản xuất của các đơn vị, ảnh hưởng đến dư địa phát triển cho năm sau.

Số liệu của UBND TP Hồ Chí Minh về kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 cho thấy, thu ngân sách đạt 80,7% kế hoạch năm là tín hiệu tích cực, nhưng nguồn thu này chủ yếu từ nhà đất và dầu thô, trong khi đó nguồn thu từ thuế sản phẩm chỉ ở mức 3%, cho thấy yếu tố chưa bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một điểm nghẽn lớn của TP Hồ Chí Minh hiện nay là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Tính đến cuối tháng 9/2022, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân được 10.877 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch; trong đó, ngân sách Trung ương chỉ giải ngân được 91 tỷ đồng, chiếm 3,6%.

Lý giải vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó, ảnh hưởng lớn đến đầu tư và giải ngân. Dự kiến đến tháng 10, thành phố cơ bản tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng đến 90% để phục vụ cho việc triển khai các dự án.

Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và xung đột quân sự, chính trị trên thế giới dẫn đến các yếu tố đến từ bên ngoài như giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, lao động chất lượng cao, máy móc thiết bị phục vụ thi công bị gián đoạn trong những tháng đầu năm, làm tiến độ thi công các dự án, các nhà thầu cũng bị ảnh hưởng nếu đẩy nhanh tiến độ thi công.

* Sản xuất còn chưa bền vững

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đến nay thu hút đầu tư xã hội TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 20,4%, trong khi mục tiêu đề ra đến 2025 huy động được 35% so với tổng ngân sách quốc nội (GDP). Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn tuy có phục hồi, nhưng số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn còn ở mức cao; vốn FDI tuy tăng nhưng các dự án nhỏ, chủ yếu là tăng vốn mở rộng, ít dự án lớn.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2022 trên địa bàn tăng 46,6% so với cùng kỳ, nhưng tổng nguồn vốn đăng ký giảm 1,3% và vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp giảm 32,7%. Với số vốn đăng ký giảm cho thấy, mặc dù đã phục hồi sau dịch, nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn, nhỏ hơn so với trước.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh phân tích: Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng nhưng quy mô các dự án đầu tư và quy mô vốn của doanh nghiệp giảm hơn so với những năm trước, chỉ đạt 11,9 tỷ đồng/doanh nghiệp so với hơn 16 tỷ đồng/doanh nghiệp năm 2021.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể bằng 50% số doanh nghiệp thành lập mới, điều này phản ánh doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng dễ bị tổn thương trước những diễn biến trong nước và thế giới. Các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu đầu vào, lạm phát ở các nước tăng cao.

“Vị thế thương mại của TP Hồ Chí Minh được khẳng định qua kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm tăng trưởng tốt nhưng 62% trong số đó lại từ khu vực FDI nên doanh nghiệp trong nước chưa phát huy được. Thu ngân sách đạt trên 90% năm, nhưng thu chủ yếu lại từ nhà đất và từ dầu thô, còn thu từ thuế sản phẩm để tính vào tăng trưởng chỉ ở mức 3%. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất”, ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận định.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, việc hội nhập sâu với kinh tế, thương mại toàn cầu vừa tạo ra cơ hội thị trường rộng lớn nhưng cũng khiến nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước nhanh chóng chịu tác động từ những vấn đề phát sinh như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính từ các khu vực khác nhau trên thế giới.

Giá nguyên liệu sản xuất và phí dịch vụ logistics tăng cao là hai vấn đề chính có tác động đến việc nhận đơn hàng xuất khẩu mới của doanh nghiệp; trong đó, giá nguyên phụ liệu sản xuất kể cả trong nước và nhập khẩu đều tăng từ 15-40% so với thời điểm trước dịch bùng phát, chi phí bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30% so với trước.

Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, cho biết: Những tháng gần đây thị trường gỗ đang ảm đạm, khi doanh thu và đơn hàng của các doanh nghiệp đang suy giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn. Theo khảo sát của các Hiệp hội gỗ tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều cho thấy vài tháng gần đây đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm tới 50%. Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ, nội thất quan trọng như EU, Hoa Kỳ, Anh đều giảm, thậm chí có thị trường giảm tới 50%.

Dưới góc nhìn tổng thể hơn, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyên Văn Nên cho rằng: TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, vừa vượt qua cơn "bạo bệnh" và đang bật dậy một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, đầu tàu này đã bị giảm tốc từ lâu, nhất là những năm gần đây: mất trớn, mất đà và yếu lực. Đầu tàu khởi động, tăng tốc được sẽ kéo cả con tàu vượt qua khó khăn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhận xét, kết quả kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh những tháng qua là đáng phấn khởi nhưng để đạt được các mục tiêu phát triển trong năm 2023 và những năm tới, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công; trong đó, ưu tiên các dự án quan trọng, nhất là giải quyết các nút thắt trong hạ tầng giao thông, dự án chống ngập để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún, cũng như đầu tư hạ tầng về văn hóa, xã hội, giáo dục.

Nhấn mạnh TP Hồ Chí Minh cần phải có hỗ trợ về mặt thể chế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng: Rất nhiều những việc mà thành phố đang triển khai trong gian tới, hy vọng giúp cho thành phố là tiếp tục là đầu tàu, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của cả nước. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; cải thiện hơn về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị...

Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ chủ chốt của TP Hồ Chí Minh vào ngày 23/9 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn của Thành phố. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của Thành phố.

Vai trò đầu tàu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của Thành phố đối với vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, chậm được khắc phục, có mặt ngày càng gay gắt hơn.

Bài cuối: Không ngừng đổi mới

Hoàng Tuấn -  Xuân Anh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - Bài cuối: Không ngừng đổi mới
TP Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - Bài cuối: Không ngừng đổi mới

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, TP Hồ Chí Minh đã và đang từng bước phục hồi mạnh mẽ, qua đó tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN