Di dời cảng ra khỏi khu vực nội thành TP.HCM là chủ trương lớn của Chính phủ. Nhưng đến nay, một số cảng ở TP.HCM vẫn gặp không ít khó khăn phải xin hoãn di dời do hạ tầng chưa đồng bộ và thiếu vốn.
Kế hoạch 5, thực hiện 1
Theo Quyết định 46/2010/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2010, TP.HCM phải di dời xong 5 cảng ra khỏi trung tâm TP gồm cảng Bến Nghé, cảng Sài Gòn, cảng Rau Quả, cảng Tân Thuận Đông và nhà máy đóng tàu Ba Son. Tuy nhiên, đến nay chỉ có Tân Cảng hoàn thành việc di dời cảng (vào năm 2008) về Cát Lái (Q.2) và đã nắm lấy lợi thế “tiên phong” của mình để xây dựng thêm cảng mới ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Những cảng còn lại vẫn gặp nhiều vướng mắc và đã có những đề xuất xin gia hạn di dời đến năm 2015 và 2020.
Cụ thể, dự án cảng Hiệp Phước phục vụ di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội với quy mô 100 ha, tiếp nhận được tàu 50.000 tấn, công suất 18 triệu tấn/năm đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thi công giai đoạn 1, dự kiến đến quý III/2011 đưa vào khai thác cầu cảng đầu tiên. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như đường, điện công nghiệp, nước chưa được thi công đồng bộ và cả khu vực cảng cũ chưa có quy hoạch 1/2000 để thực hiện chuyển đổi công năng.
Cảng Sài Gòn vẫn chậm trễ di dời. |
Trong khi đó, Nhà máy đóng tàu Ba Son được di dời ra vị trí mới tại Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hoàn thành san lấp 3,2 ha và đường công vụ, phục vụ di dời ụ tàu 68 để tiến hành sửa chữa tàu vào cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, hợp đồng quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất cũ vừa mới được ký để trình UBND TP. Cảng Tân Thuận Đông cũng chịu chung số phận là chưa được giao đất thực hiện dự án và chưa có quy hoạch 1/2000 khu hiện hữu để thực hiện chuyển đổi công năng. Cảng Rau Quả đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho lùi thời điểm di dời đến sau 2020 và đang đề nghị được chuyển đổi công năng tại chỗ.
Hạ tầng giao thông: Bài toán nan giải
Không những chậm trễ trong xây dựng cảng mới, mà ngay tại TP.HCM những cảng đã xây dựng xong cũng không khai thác được do sự thiếu đồng bộ về hạ tầng giao thông.
Được hoàn thành từ tháng 7/2010 nhưng đến nay cảng Phú Hữu (Q.9) gần như “đắp chiếu”. Đây là cảng được đầu tư xây dựng từ năm 2007 nhằm thay thế cảng Bến Nghé nằm trên sông Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Sài Gòn - Samco) khi cảng này phải di dời. Tuy nhiên con đường vào cảng Phú Hữu lại nhỏ hẹp, hư hỏng không đủ cho một chiếc xe tải đi vào. Do vậy, dù cảng có vị trí đẹp, khu đất rộng 24ha, ba cần cẩu container, một nhà kho rộng hơn 2.500 m², một xưởng rộng 1.500 m² và 600m cầu cảng nhưng từ khi hoàn thành đến nay mới chỉ đón trên dưới 5 chiếc tàu nhỏ.
Để sớm phát huy cảng Phú Hữu, UBND TP.HCM có kế hoạch xây dựng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu do Công ty Xi măng Hà Tiên 1 đầu tư theo hình thức BOT. Cảng biển Phú Hữu nằm trong KCN Phú Hữu nên khi con đường này được xây dựng, giao thông đến cảng biển Phú Hữu sẽ thông suốt. Con đường này sẽ có chiều dài 2,6 km, rộng 30m. Nếu như hệ thống giao thông hoàn thiện thì vị trí của cảng Phú Hữu sẽ rất tốt cho hàng hóa lưu thông bằng các tuyến đường vành đai trong đi qua cầu Phú Mỹ, vành đai ngoài kết nối vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sau này đi cảng tỉnh ĐBSCL và khu vực Nam Trung bộ mà không còn phải vào khu vực trung tâm TP.HCM nữa.
Tương tự, cụm cảng Hiệp Phước vẫn còn “vướng” 2 km đường vào cảng chưa tìm được nguồn vốn, vì thế vẫn chưa phát huy tác dụng vì “chưa thông”. Theo ông Hoàng Văn Nhượng - Phó TGĐ cảng Sài Gòn: Nếu có vốn thì sớm nhất đến cuối năm 2012, đầu 2013 mới có thể xây dựng xong 2 km đường bộ nối từ đường trục Bắc - Nam TP vào cụm cảng Hiệp Phước vì dù đường vào cảng dài khoảng 2 km nhưng phải xây dựng 2 cây cầu nên thời gian thi công rất lâu.
Hệ thống cảng biển TP.HCM đóng vai trò trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng cảng biển lớn nhất khu vực phía nam. Thế nhưng, sự yếu kém của hạ tầng giao thông đang cản trở rất lớn nhu cầu vận chuyển hàng hóa để đóng góp vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại cuộc họp về tiến độ di dời và chuyển đổi công năng các cảng trên sông Sài Gòn, ngày 17/3 vừa qua, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp để kịp thời di dời cảng khỏi nội đô, trước yêu cầu thông thương cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giảm áp lực giao thông nội đô TP.HCM.
Theo Phó Thủ tướng, ngành giao thông phải tập trung vốn để đáp ứng các hạng mục hạ tầng, dự án cấp bách, có thể sớm đưa vào khai thác, phục vụ phát triển các cảng mới, đặc biệt là các dự án có thể huy động từ nguồn vốn xã hội, của các nhà đầu tư. Cụ thể, quốc lộ 51 mở rộng cần đưa vào khai thác trong quý 1/2012, sớm triển khai dự án BOT cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cải tạo luồng Soài Rạp... Hệ thống đường liên cảng phải rà soát, tháo gỡ để đồng bộ hoá với hệ thống cảng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn quy chế tài chính phục vụ quy hoạch di dời cảng. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công các dự án và đoạn tuyến giao thông các cảng đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác.
Phạm Đăng Giới