Ngày 18/8, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức diễn đàn Kinh tế xanh 2023 nhằm tìm ra giải pháp cho việc phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh. Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh đã cùng nhau kết nối, thảo luận và chia sẻ quan điểm về những thách thức, cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero, hành trình kinh tế xanh trong xu thế vượt suy thoái và phát triển ổn định, cùng những câu chuyện thực tế khi chuyển sang con đường tăng trưởng xanh, từ đó giải bài toán vốn, chi phí đầu tư và doanh thu, lợi nhuận.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Việt Nam cam kết và đang hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Đây là mục tiêu đầy tham vọng và hành trình đến mục tiêu này cũng đầy thách thức. Trong đó, với vai trò là trung tâm lớn của cả nước, TP Hồ Chí Minh cam kết và sẽ tiên phong trong thực hiện mục tiêu này.
Theo đó, Thành phố xác định chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, về chuyển đổi năng lượng, về phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và các chuyên ngành có liên quan khác.
"Tuy nhiên, Thành phố nhận thức được rằng những việc phát triển kinh tế xanh còn đang triển khai chưa đầy đủ. Do vậy, sắp tới Thành phố sẽ rà soát, cập nhật quy hoạch, đặc biệt là ban hành hệ thống chính sách cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Theo đó, các chính sách phải tập trung hỗ trợ và thúc đẩy sự chuyển đổi về năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất và tiêu dùng. Trong đó, doanh nghiệp là trung tâm tiếp nhận các chính sách này để triển khai, đồng thời là những người đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi này", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xanh (hạ tầng năng lượng, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội) với những bộ tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật, những tiêu chí được cập nhật với thông lệ quốc tế. Mặt khác, Thành phố cũng xây dựng nguồn nhân lực xanh, đó là nhận thức của hệ thống chính trị, của các cơ quan chức năng, lãnh đạo các doanh nghiệp và người dân thành phố.
Ông Phan Văn Mãi cũng thông tin thêm, trong mục tiêu chung tiến đến trung hòa carbon vào năm 2050, TP Hồ Chí Minh đã chọn Cần Giờ để xây dựng thí điểm trước. Trong đó, xây dựng kế hoạch để Cần Giờ thực hiện không phát thải ròng đến năm 2030, tập trung vào chuyển đổi các phương tiện trên địa bàn sử dụng năng lượng thân thiện; sử dụng năng lượng sạch; xử lý rác thải, chất thải với công nghệ tiên tiến; đánh giá và thực hiện thí điểm tín chỉ carbon trên địa bàn huyện Cần Giờ. Do đó, TP Hồ Chí Minh sẽ dành nguồn lực tương xứng cho quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững để cùng quốc gia thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà kinh doanh cũng đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế xanh như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giảm lượng khí thải ra môi trường, đầu tư nguồn vốn, chi phí đầu tư và doanh thu vào các sản phẩm xanh, nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam, phục vụ đúng yêu cầu của người tiêu dùng.
Theo một số doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình Net Zero trước mắt sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Trong nông nghiệp, có thể kể đến xu hướng sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thế giới do những tác động tích cực mà sản phẩm hữu cơ mang lại cho sức khỏe con người, cho môi trường và hệ sinh thái.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện nay, cuộc đua hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp cam kết sẽ hưởng lợi thế của người tiên phong, định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới. Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân và cả người tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách mang tính đổi mới và sáng tạo để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, kinh tế xanh cũng đã được Chính phủ xác định là con đường tất yếu, được nhấn mạnh trong các chiến lược, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.