Biến các thách thức thành cơ hội phát triển
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, công tác hội nhập kinh tế quốc tế là một điểm sáng trong quá trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có được chính sách chủ động, chuẩn bị đầy đủ năng lực nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hội nhập kinh tế hiệu quả.
“Thế giới đang đứng trước những thay đổi toàn diện về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn… cùng với xu thế tất yếu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero)…, cần xác định cách tiếp cận phù hợp, biến các thách thức này thành lợi thế, cơ hội phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế kết hợp với thực hiện các mục tiêu toàn cầu; thể chế hóa, tạo môi trường pháp lý, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân ngang hàng với các đối tác quốc tế; lựa chọn những thương hiệu quốc gia để xây dựng thành thương hiệu quốc tế.
Từ lợi thế, kinh nghiệm thành công trong quá trình chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho rằng cần có sự chuẩn bị về lộ trình, hoạch định của Nhà nước trong việc lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên trong hội nhập kinh tế quốc tế, để xây dựng nền kinh tế xanh, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng năng lượng tái tạo…
“Trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian tới, không chỉ là ưu đãi về đất đai, thuế, nhân công giá rẻ, mà còn là năng lượng xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, tài nguyên số, các giải pháp thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu thông qua trồng rừng, net zero…”, Phó Thủ tướng lấy ví dụ.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo về công tác tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; trong đó chú trọng đưa ra giải pháp nâng cao sự phối hợp triển khai giữa các lĩnh vực hội nhập trong một chiến lược hội nhập tổng thể, làm cơ sở xây dựng những định hướng mới cho công tác hội nhập trong giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công tác rà soát các hiệp định thương mại tự do đã ký thuộc lĩnh vực, nhiệm vụ quản lý được giao. “Cần tận dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài để đào tạo con người, thay đổi tư duy, nhận thức, phương thức làm việc, nắm bắt được công nghệ, mở ra những lĩnh vực mới dựa trên đầu tư công nghệ cao”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, thời gian qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng như góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại; góp phần tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, chuẩn bị đàm phán tham gia một số hiệp định thương mại song phương, đa phương. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với trên 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20.
15 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng trên thế giới. Ở tất cả các thị trường Việt Nam có hiệp định thương mại tự do đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu vượt trội, năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, về chính trị, ngoại giao, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước.
Năm 2022 (năm đầu tiên tất cả 15 hiệp định thương mại tự do đã ký có hiệu lực thực thi), tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường đối tác hiệp định thương mại tự do đạt 526 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới; trong đó xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, chiếm gần 64% kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tận dụng ưu đãi thuế quan của hiệp định thương mại tự do năm 2022 đạt 78,3 tỷ USD, tương đương 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường này. So sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đây là tỷ lệ khá lạc quan.
Tuy nhiên, những hạn chế trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thời gian qua thể hiện trên một số mặt liên quan đến tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường đã có hiệp định thương mại tự do chưa có sự vượt trội so với một số thị trường chưa có hiệp định thương mại tự do; tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan hiệp định thương mại tự do đang có xu hướng giảm và diễn tiến không ổn định với từng hiệp định...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận và cho ý kiến đánh giá công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong năm qua. Một số ý kiến cho rằng, công tác thực thi và tận dụng cam kết hiệp định thương mại tự do đã gắn với cải cách thể chế, chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từng lĩnh vực ngành hàng, hướng tới tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đang đối mặt với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là các thị trường chủ lực...