Chưa đáp ứng nhu cầu
Những năm gần đây, thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó logistics - vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng, cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để vừa khắc phục những khó khăn, vừa có thể tận dụng được lợi thế công nghệ số, cùng nhau nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Phan Văn Chinh, Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’’.
"Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác", ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh, hiện nay ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế như chi phí dịch vụ logistics còn cao, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu. Hơn nữa, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển... Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do ứng dụng công nghệ số trong logistics chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian chờ tại cảng lên tới 70%. Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Trong đó, chủ yếu là các dịch vụ khai báo hải quan (100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi,...
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến ngành logistics chưa thành công trong việc chuyển đổi số là do nhân lực ngành này còn thiếu và yếu. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng cho biết, nguồn nhân lực của Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với lực lượng lao động trẻ dồi dào, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khá cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như chảy máu chất xám; chính sách đãi ngộ, tiền lương chưa thỏa đáng; môi trường làm việc không thuận lợi cho lao động tri thức, hạn chế nghiên cứu; lao động chuyển dịch sang các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Ngành logistics cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi thường xuyên thiếu hụt về nguồn cung nhân lực chất lượng cao cũng như khó khăn trong việc thu hút đội ngũ này, nguyên nhân là ngành còn khó khăn về điều kiện làm việc và yêu cầu năng lực, theo đó tuyển lao động cũng khó khăn hơn.
Còn ông Nguyễn Văn Vẹn, Viện trưởng Viện Kinh tế ứng dụng, Đại học Tài chính Marketing TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành này không chỉ thiếu nhân lực mà vấn đề kho bãi, hạ tầng giao thông thành phố chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến quy hoạch logistics chưa được thực hiện. Chưa kể, nhiều khu công nghiệp còn nằm trong khu dân cư đông đúc khiến chi phí vận chuyển gia tăng; hay việc xây dựng dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dù có chủ trưởng song cũng phải tính toán nhiều khía cạnh bởi nơi đây là khu sinh quyển thế giới.
"Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh phát triển thành đô thị thông minh phải tính đến logistics thông minh - bài toán này lẽ ra phải được tính từ hàng chục năm trước. Mặt khác, việc thu thuế tại một số đơn vị, doanh nghiệp, người dân vẫn đang thực hiện đa số bằng biện pháp thủ công. Hàng ngày, nhiều gánh hàng rong vẫn bán khắp các khu phố, thể hiện một khâu logistics tuy rất nhỏ nhưng lại là nhu cầu có thật của người dân. Một đô thị thông minh nếu không có giải pháp căn cơ chuyển dịch loại hình kinh tế siêu nhỏ trong siêu đô thị là một mâu thuẫn", ông Nguyễn Văn Vẹn nói.
Ngành quan trọng trong nền kinh tế
Đối với TP Hồ Chí Minh, logistics được xác định có vai trò là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. TP Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 -15%.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: “TP Hồ Chí Minh có thuận lợi trong ASEAN về thương mại và vận tải quốc tế khi hội nhập, vì vậy lĩnh vực logistics cần được tập trung và phát huy được thế mạnh, đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp TP Hồ Chí Minh nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế”.
Theo đề án “Phát triển ngành logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha bao gồm: Cát Lái – Phú Hữu (TP Thủ Đức); Long Bình (TP Thủ Đức); Linh Trung (TP Thủ Đức); Củ Chi (huyện Củ Chi); Tân Kiên (huyện Bình Chánh); Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn). Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng...
Ông Trương Nguyên Linh, Phó ban Nghiên cứu - Đào tạo, Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh cho biết, điều kiện tiên quyết trong phát triển logistics là phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong đó, những dự án xây dựng các trung tâm logistics TP Hồ Chí Minh đang thiết lập phải được hiện thực hóa, tiến hành nhanh. Dựa vào điều kiện này, doanh nghiệp mới có điều kiện để áp dụng chuyển đổi số nhằm kéo giảm các bước công việc, nghiệp vụ thủ công dư thừa hiện tại.
“Doanh nghiệp sẽ nâng cấp một số hệ thống thực hiện giao dịch bằng hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến, áp dụng hệ thống mã vạch, công nghệ AI trong thông quan điện tử, theo dõi quản lý hàng hóa… Nếu làm tốt sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu công việc tay chân chiếm một phần chi phí khá lớn; giảm thời gian và rủi ro liên quan đến giao dịch tài chính; tăng tính chính xác và tốc độ xử lý. Mặt khác, thực hiện chuyển đổi số trong logistics quan trọng nhất là có một cơ quan đầu não dẫn dắt triển khai và vai trò này thuộc TP Hồ Chí Minh. Nếu không có cơ quan xúc tiến việc này thì các công việc ứng dụng công nghệ tại doanh nghiệp có thể bị trì trệ, chệch hướng”, ông Linh nói.
Tương tự, ông Phạm Văn Tài, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi số trong logistics là quá trình sử dụng công nghệ số hóa để cải thiện hiệu quả và tăng cường quản lý trong hoạt động vận chuyển, thông quan hàng hóa. Việc này góp phần tăng cường hiệu quả và năng suất, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, tăng cường quản lý an ninh, bình đẳng trong tiếp cận. Có thể thấy, Singapore xây dựng hệ thống thông tin đồng nhất và tích hợp, phát triển hệ thống thông tin liên ngành; Hà Lan áp dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) và hệ thống thông tin địa lý (GIS); còn tại Đức tạo ra một hệ thống thông tin logistics thông minh, kết nối để quản lý và theo dõi hoạt động vận chuyển hàng hóa.
"Với điều kiện đang có là TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống cảng biển, là cửa ngõ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu của cả vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ. Vì vậy, để thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ ngành này, trước tiên TP Hồ Chí Minh cần hoàn thiện, xây dựng hệ thống quản lý thông tin hàng hóa trực tuyến, áp dụng công nghệ IoT, sử dụng công nghệ Blockchain, tích hợp hệ thống thông tin và giao tiếp ứng dụng, song song đó là đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân lực... ", ông Phạm Văn Tài nói.