TP Hồ Chí Minh vượt khó cán đích thu ngân sách - Bài 2: Tiền đề cho chỉ tiêu cao hơn

Với những kết quả đạt được trong năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trong năm 2022.Tuy nhiên, với diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài, nhất là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron đang đặt ra nhiều thách thức trong việc phục hồi kinh tế cũng như thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Không dễ với bài toán thu ngân sách

Chú thích ảnh
Nhân viên siêu thị giúp người dân đi chợ online. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN

Trong năm 2022, Trung ương giao thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 386.568 tỷ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021; trong đó, số thu nội địa, kể cả dầu thô là 270.068 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 116.500 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh là địa bàn có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, chiếm tỷ trọng khoảng 23 - 24% tổng GDP cả nước; đồng thời, quy mô số thu ngân sách và số đối tượng quản lý cũng lớn nhất. Với dự toán trên, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố sẽ chiếm tỷ trọng 24,8% trong tổng dự toán thu cả nước trong năm 2022. So với số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã thực hiện trong năm 2021, số thu năm sau tăng thêm 4.986 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phải thu đến 1.059 tỷ đồng, kể cả ngày nghỉ.

Dự toán thu ngân sách năm 2022 giao cho ngành thuế TP Hồ Chí Minh là 270.068 tỷ đồng (tăng hơn 2,3% so với con số thực hiện trong năm 2021) đặt ra những khó khăn cho ngành khi dự báo một số nguồn thu lớn suy giảm.

Đến thời điểm này, tình hình lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng vẫn không ngừng gia tăng, nền kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ phục hồi nhưng rất chậm. Các dòng thuế theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, trong năm 2022 tiếp tục giảm về 0% với hàng nghìn dòng thuế theo lộ trình đã cam kết.

Trong khi đó, dịch vụ logistics ngày càng cạnh tranh khốc liệt giữa các địa phương. Giá dịch vụ thấp, hậu mãi tốt, kho bãi thông thoáng, thông quan hàng hóa nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi là lựa chọn hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Hàng hóa luôn trong tình trạng “ùn ứ và ách tắc” tại cảng Cát Lái, chi phí vận chuyển dự kiến tăng sẽ là mối lo ngại hàng đầu dẫn đến hụt thu ngân sách, nguồn thu này sẽ chảy sang cửa khẩu khác ngoài địa bàn thành phố.

Chưa kể, cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, hoạt động cầm chừng dẫn đến nguy cơ tiềm tàng mất thanh khoản, nợ xấu gia tăng…

Mặt khác, theo ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, xu hướng chuyển dịch các doanh nghiệp lớn ra khỏi thành phố ngày càng rõ nét do sự vươn lên, cạnh tranh thu hút đầu tư của các tỉnh lân cận như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Cùng với đó, tâm lý di chuyển về quê của người lao động, nhất là sau đại dịch COVID-19 đang đặt ra bài toán về thu hút đầu tư và môi trường sống cho công nhân.

Những vấn đề trên được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách trong năm 2022 và đặt ra áp lực lớn trong hoạt động thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Đẩy mạnh các hoạt động chống thất thu thuế

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ngành tài chính thành phố tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố giai đoạn sau 2022; huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để đầu tư phát triển thành phố. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; tích cực giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế…

Trong bối cảnh áp lực nguồn thu tăng lên, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, ngành tài chính thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực thu, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, dự báo số thu từng tháng, từng quý sát với thực tế phát sinh và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro với nghiệp vụ quản lý thuế.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung đôn đốc, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước qua xử lý, sắp xếp theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan khẩn trương thực hiện rà soát, sắp xếp lại và xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn…

Với những dự báo còn nhiều khó khăn trong hoạt động thu nội địa năm 2022, tại hội nghị tổng kết ngành thuế Tp.Hồ Chí Minh mới đây, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Vũ Chí Hùng cũng lưu ý ngành thuế thành phố một số vấn đề liên quan đến khoản thu từ đất đai.

Cụ thể, đối với các khoản thu từ đất đai (thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất), Cục Thuế thành phố cần tiếp tục tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ đấu giá. Riêng đối với 4 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được đấu giá thành công với tổng số tiền là 37.346 tỷ đồng, Cục Thuế phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đôn đốc các doanh nghiệp đã đấu giá thành công hoàn thiện thủ tục và nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu từ đất vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu ngành thuế thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế. Trong đó, tập trung chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; các ngành, lĩnh vực có hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu tăng trưởng, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và có rủi ro cao về thuế; đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh qua mạng; đảm bảo các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế đầy đủ vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, rà soát các nguồn thu trên địa bàn để đăng ký chỉ tiêu phấn đấu tăng thu năm 2022 phù hợp với thực tế, đảm bảo thu ngân sách tăng tối thiểu 3 - 5% so với dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội giao.

Bài cuối: Tìm thêm nguồn lực để hồi phục kinh tế

Hứa Chung - Xuân Anh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh vượt khó cán đích thu ngân sách - Bài 1: Như một 'kỳ tích'
TP Hồ Chí Minh vượt khó cán đích thu ngân sách - Bài 1: Như một 'kỳ tích'

Năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp và kéo dài đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN