TP Hồ Chí Minh: Tạm dừng hoạt động 15 ngày với nhà máy không đủ điều kiện phòng dịch

Theo UBND thành phố Thủ Đức, các nhà máy, doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao và tại thành phố Thủ Đức nếu không đáp ứng đủ điều kiện phòng dịch sẽ phải tạm dừng sản xuất 15 ngày để cải thiện.

Ngày 13/7, UBND thành phố Thủ Đức đã có công văn yêu cầu từ 0 giờ ngày 15/7, các nhà máy, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn chỉ được phép hoạt động, sản xuất khi bố trí được cho công nhân ăn ở tại chỗ, quản lý chặt chẽ, tổ chức xe đưa đón, không để lao động tự ý rời doanh nghiệp để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. 

Các nhà máy, doanh nghiệp nếu không đáp ứng đủ điều kiện phòng dịch nêu trên, sẽ phải tạm dừng sản xuất 15 ngày để cải thiện.

Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, vừa qua có nhiều nhà máy ở trong khu đã tạm dừng hoạt động, hoặc thu hẹp sản xuất để phòng dịch, khi khu vực này ghi nhận 750 ca nhiễm COVID-19.

Cụ thể, nhà máy Nidec Việt Nam đã dừng sản xuất gần 1 tuần khi phát hiện ca nhiễm. Công ty cũng đã bố trí phương án ăn ở tại nơi làm việc cho hơn 4.000 công nhân. Ngoài ra, 150 người sinh sống ở các khu vực phong tỏa tại phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức cũng được công ty bố trí ở tại các khách sạn, nhà nghỉ gần Khu công nghệ cao.

Chú thích ảnh
Công nhân trong Khu công nghệ cao đang chờ lấy mẫu xét nghiệm.

Tương tự, với tổng gần 4.000 công nhân tại các nhà máy khác thuộc Tập đoàn Nidec như Nidec Servo, Nidec Copal, do có 1 một ca dương tính nên công ty đã giảm số lượng công nhân xuống còn khoảng 35% so với trước. Hai doanh nghiệp đã có phương án vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, chờ thẩm định của cơ quan chức năng xem có đủ điều kiện phòng dịch để tiếp tục hoạt động hay tạm dừng. 

Trong khi đó, một số nhà máy quy mô trên 8.000 công nhân như công ty Intel, Jabil không bố trí được cho tất cả lao động ở lại, nên đã phải thu hẹp sản xuất, đảm bảo quy định phòng dịch. Hiện nay, để duy trì sản xuất, các công ty này cũng đã phải thuê khách sạn, nhà nghỉ gần nơi làm việc cho công nhân đi làm, tổ chức xe đưa đón mỗi ngày từ nơi ở đến nơi làm việc khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16.

Theo bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, hiện nay số ca nhiễm COVID-19 đang ở mức cao, vì vậy Ban quản lý sẽ phối hợp với các đơn vị để có một số điều chỉnh liên quan đến biện pháp phong toả và cách ly những nhà máy, công ty không đủ tiêu chuẩn phòng dịch và có ca nghi nhiễm. Các doanh nghiệp trong KCN cần sớm có phương án phòng chống dịch, sắp xếp chỗ ăn ở cho công nhân, kế hoạch sản xuất để Ban quản lý và các đơn vị đánh giá. Những nhà máy nào đủ điều kiện phòng dịch sẽ được tiếp tục vận hành, nếu không phải tạm dừng hoạt động trong vòng 15 ngày để phòng dịch.

Theo thống kê của Ban quản lý, hiện Khu công nghệ cao có 85 doanh nghiệp với hơn 45.000 công nhân. Năm 2020, giá trị sản xuất của doanh nghiệp trong đạt gần 21 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Trong đợt bùng phát lần thứ tư, dịch đã xâm nhập nhiều nhà máy ở Khu công nghệ cao. Trong đó, Nidec Sankyo ghi nhận gần 600 ca nhiễm, nhà máy tạm dừng hoạt động từ ngày 3/7 đến nay. Hiện 20 nhà máy trong khu công nghệ cao đã có phương án vừa sản xuất, vừa cách ly. Ngoài ra, khu vực này cũng vừa được thành phố chọn để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động theo diện đối tượng ưu tiên. 

Chú thích ảnh
Công nhân Khu công nghệ cao được ưu tiên tiêm vaccin COVID-19 để duy trì sản xuất trong mùa dịch. 

Trong khi đó, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Nippro Việt Nam (Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) đã lên kịch bản ứng phó cho tình huống xấu nhất, kể cả khi doanh nghiệp xuất hiện ca F0. Theo đó, công ty đã đăng ký với Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh cho 500 công nhân được ăn ở lại công ty nếu tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Đại diện công ty TNHH Nippro Việt Nam cho biết, hiện tất cả công nhân đã qua 2 lần xét nghiệm COVID-19 đều cho kết quả âm tính. Toàn bộ công nhân đã tiêm ngừa mũi 1 vaccine COVID-19, tuy nhiên không vì thế mà công ty lơ là trong công tác phòng dịch. Hiện công ty luôn quán triệt cho công nhân phải tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng dịch, bảo đảm 5K, bảo đảm an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn của Thành phố và Ban Quản lý các KCX-KCN yêu cầu.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã xác định phải sống chung an toàn với dịch bệnh. Theo đó, khi TP Hồ Chí Minh có chính sách tiêm vaccine cho công nhân tại các KCX-KCN, nhiều doanh nghiệp đã đăng kí tiêm vaccine cho tất cả công nhân của mình.

Theo đó, tính đến nay, đã có trên 320.000 người lao động tại hơn 2.100 doanh nghiệp, đơn vị được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ các cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng cho người dân, người lao động tại khu dân cư, KCX-KCN, khu công nghệ cao trên địa bàn và mong muốn công tác này bảo đảm an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo, có phân bổ thời gian hợp lý và nhất là hỗ trợ tốt cho bộ phận thực hiện về công tác hậu cần.

UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Thủ Đức về việc tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Theo đó, đối với doanh nghiệp trên địa bàn phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nghi mắc COVID-19 theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch, phải tạm ngưng sản xuất để đảm bảo việc kiểm soát an toàn phòng dịch. Doanh nghiệp chỉ được sản xuất trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng chống dịch theo Quyết định 2787/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Đối với các doanh nghiệp đã có phương án “vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ" sẽ tiếp tục hoạt động, phải thực hiện theo kế hoạch hoặc phương án đăng ký, bảo đảm kiểm soát không cho người ra khỏi doanh nghiệp (trừ trường hợp cấp bách).

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải khẩn trương thực hiện nội dung “3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người lao động bên trong nhà máy tại công ty, hoặc thuê chỗ ở tập trung (khách sạn, ký túc xá...). 
Chú thích ảnh

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh di dời chốt, trạm ra vào thành phố, chuyển sang kiểm tra lưu động
TP Hồ Chí Minh di dời chốt, trạm ra vào thành phố, chuyển sang kiểm tra lưu động

Trước tình hình ùn tắc giao thông tại một số chốt, trạm trong vài ngày qua, ngày 13/7 TP Hồ Chí Minh đã di dời một số chốt kiểm soát đến các vị trí khác phù hợp hơn, đồng thời chuyển sang tăng cường kiểm tra lưu động trên các tuyến đường vào trung tâm Thành phố thay cho việc dựng chốt, trạm kiểm tra cố định như ngày đầu thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN