TP Hồ Chí Minh lên phương án phục hồi kinh tế sau khi hết dịch bệnh COVID-19

Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ lên kế hoạch xây dựng những lộ trình phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội, dịch vụ ít nhất trong vòng 3 tháng (tháng 5 - 7) sau khi kiểm soát được tình hình dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào để phục vu nhu cầu mua sắm của người dân trong mùa dịch.

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, sau khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, TP sẽ lên kế hoạch xây dựng những lộ trình để mở rộng quy mô các hoạt động kinh tế, xã hội, dịch vụ theo hướng tăng dần và trở lại quy mô như cũ sau khi hết dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, từ nay đến tháng 5, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành nghề kinh doanh trên địa bàn cần tập trung ưu tiên triển khai các chính sách Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp; có kế hoạch để đến giữa tháng 5 có thể 'tận dụng" tốt các chính sách hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 4.

Đồng thời, muốn khôi phục sản xuất, từng ngành, lĩnh vực, đơn vị, khu dân cư phải hoàn thành việc xây dựng Bộ tiêu chí đặc thù đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4 và có ký xác nhận của địa phương, cơ quan thẩm quyền để mở rộng triển khai thực hiện trong tháng 5.

“Thành phố muốn vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh phải dựa theo nguyên tắc chung là thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, nhưng phải đảm bảo an toàn, không phát sinh dịch COVID-19 trên địa bàn. Về lâu dài, giải pháp khôi phục kinh tế vẫn phải tăng cầu, có nghĩa là phải tăng nhu cầu tiêu dùng của người dân, phải có người cần đến hàng hóa dịch vụ mà các doanh nghiệp của thành phố tạo ra, cụ thể là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 10 triệu dân thành phố. Vì vậy, trước mắt các đơn vị sản xuất, hệ thống bán lẻ cần xây dựng lộ trình khôi phục sản xuất của ngành mình, trong đó tập trung phát triển, đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng. Bởi nếu nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố tiếp tục giảm như trong mùa dịch thì khi hết dịch, sẽ không có cách nào vực dậy nền kinh tế được”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong quý I, những mặt hàng gắn với xuất khẩu vẫn duy trì ở mức khá, đạt hơn 9,85 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng 7,5% so với cùng kỳ, tập trung ở hàng điện tử, máy tính. Tuy nhiên, trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TP Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ có ngành điện tử và hóa chất vẫn duy trì sản xuất và tăng trưởng nhẹ, nhưng dệt may và cơ khí lại đang giảm. 

Chú thích ảnh
Trong mùa dịch bệnh, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm online để hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Ngoài ra, thị trường bán lẻ cũng tăng trưởng chậm. Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện sức mua ở cả mạng lưới chợ truyền thống và hệ thống kênh bán lẻ hiện đại đã giảm khoảng 30-40% so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19. Tuy nhiên, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo kênh mua sắm hiện đại do được hỗ trợ nhiều tiện ích (giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ cộng thêm...). Để đáp ứng nhu cầu mua sắm trong mùa dịch bệnh, các hệ thống siêu thị đã chuyển đổi phương thức hoạt động theo phương thức đa kênh (Omni-channel) để tăng lợi ích cho người dân cũng như tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Trong đó, kênh bán hàng online đem lại hiệu quả nhất với sức mua tăng 3-4 lần so với trước khi có dịch bệnh.

Bà Vũ Kim Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho biết, việc chuyển hướng bán hàng online trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết. Bởi việc giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp trong thời điểm có dịch đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng của người dân. “Tuy nhiên, sau khi hết dịch bệnh, các doanh nghiệp cần tập trung nguồn vốn để tái sản xuất nhằm tăng nguồn cung. Các hệ thống bán lẻ cần tiếp tục duy trì kênh bán hàng online, khôi phục lại kênh bán hàng truyền thống, mở rộng mạng lưới bán hàng đa phương tiện để tăng tiện ích cho khách hàng. Doanh nghiệp sản xuất cần tiếp tục mở rộng, xúc tiến giới thiệu quảng bá những sản phẩm trong nước ra thị trường bên ngoài, kích cầu tiêu dùng trong thị trường nội địa với các chính sách khuyến mãi, giảm giá để phục hồi nhanh chóng nền kinh tế sau dịch bệnh”, bà Hạnh nói.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh, thành phố đang thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể như: gia hạn nộp thuế, miễn/giảm thuế, điều chỉnh doanh thu khoán cho hộ, cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ giảm thực tế; ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi hết dịch COVID-19; xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly....
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Doanh nghiệp 'ngóng' hỗ trợ trong mùa dịch COVID-19
Doanh nghiệp 'ngóng' hỗ trợ trong mùa dịch COVID-19

Các doanh nghiệp đang cần những sự hỗ trợ thiết thực, minh bạch để vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN