Chật vật tuyển lao động mới
Những ngày qua, các doanh nghiệp sản xuất tại TP Hồ Chí Minh phải chạy đôn chạy đáo để bổ sung số lao động thiếu hụt do người lao động là F0 tăng nhanh.
Anh Nguyễn Chính Hải, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu may mặc Hải Thanh cho biết, vừa qua công ty có nhiều F0 xin nghỉ làm tại nhà để đảm bảo yêu cầu cách ly điều trị, vì vậy công ty đang tuyển gấp 200 lao động phổ thông để bù đắp số lao động thiếu hụt này. Hiện nay, do công nhân đã tiêm đủ vaccine và không nguy hiểm nên đa số được ngành y tế cho cách ly tại nhà, sau một thời gian nghỉ ngơi 7 ngày công nhân sẽ đi làm trở lại nếu có xét nghiệm âm tính.
"Do lượng F0 tăng nhanh nên nhiều khâu sản xuất đang bị thiếu hụt nhân công, chúng tôi phải rao tuyển thường xuyên. Tuy nhiên, dù rao tuyển hơn 3 tuần qua với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không thể tuyển đủ số lao động cần thiết", ông Nguyễn Chính Hải cho biết thêm.
Cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động do F0 tăng nhanh, ông Quách Mẫn Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn công ty Always Việt Nam (KCX Tân Thuận, Quận 7) cho biết, công ty có khoảng 2.000 lao động, hàng tuần vẫn xét nghiệm ngẫu nhiên từ 20-25% lao động, qua đó phát hiện có từ 15-20 ca F0. Đối với những trường hợp này, công ty sẽ cho lao động được nghỉ làm một tuần, sau đó xét nghiệm trở lại, nếu âm tính mới được đi làm. Tuy nhiên, công nhân nghỉ làm thì doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động ở các dây chuyền sản xuất.
Theo ông Quách Mẫn Nghĩa, từ sau Tết Nguyên đán 2022, ngoài việc thiếu hụt lao động do nghỉ việc, nhảy việc sau Tết, doanh nghiệp còn phải đối mặt với tìn trạng công nhân mắc COVID-19 tăng nhanh. Cũng vì thiếu lao động nên công ty phải rao tuyển thường xuyên từ 200-300 lao động nhằm duy trì hoạt động sản xuất, thế nhưng vẫn rất khó để tuyển đủ số lượng. Đối với những lao động tuyển được, công ty còn phải mất thời gian đào tạo lại.
Tại các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động do F0 tăng cao. Anh Lê Hải Hưng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Minh Hưng (Bình Dương) cho biết, tại công ty, có khoảng 500 người lao động và lượng người lao động xin nghỉ làm hàng tuần, chiếm khoảng 30% và trong đó chỉ có khoảng 15% là khai báo là F0.
Theo anh Lê Hải Hưng, do nhu cầu về mở rộng sản xuất nên công ty hiện đang muốn tuyển dụng khoảng 700 lao động để bù vào số lao động nghỉ làm vì ốm đau. Thế nhưng, đến nay mới chỉ tuyển dụng được khoảng gần 200 người, trong đó có 50% lao động phải đào tạo lại để phù hợp với công việc của đơn vị. Vì thế, thời gian tới công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động phổ thông để bổ sung số lao động. Khi đi làm tại công ty sẽ được đóng BHXH, BHYT và nhiều chế độ chính sách tăng ca, lương thưởng, tổng thu nhập của một công nhân trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng...
F1 đi làm giảm áp lực thiếu hụt lao động
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trên mặt bằng chung hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh có số lượng công nhân tiêm chủng đã đạt trên 85%. Do đó, ngành y tế đã có văn bản hướng dẫn cho người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất khi thiếu hụt lao động có thể bố trí F1 đi làm bình thường nhưng phải tuân thủ các quy định về xét nghiệm, tuân thủ 5K. Đối với những doanh nghiệp dưới 80% người lao động chưa tiêm chủng, vẫn phải thực hiện cách ly theo quy định.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện các phương án thích ứng linh hoạt trong tình hình mới với cácgiải pháp mở hơn so với trước đây như: đối với F0 đang tuân thủ quy định cách ly 7 ngày của Bộ Y tế, đến ngày thứ 7 nếu xét nghiệm âm tính sẽ được kết thúc cách ly trở lại công việc. Tuy nhiên, nếu kết quả còn dương tính sẽ tự theo dõi thêm 3 ngày tiếp theo. Với những trường hợp chưa tiêm chủng sẽ phải cách ly 14 ngày. Đối với F1, thành phố có sự vận dụng thoáng hơn nhằm thích ứng an toàn với dịch bệnh, có thể cho F1 đi làm ngay và xét nghiệm vào ngày 3 và ngày 7.
Là doanh nghiệp có nhiều lao động F1 được đi làm theo quy định mới của ngành y tế , ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh cho biết, giải pháp này đã giúp giải bài toán thiếu hụt lao động do F0 tăng nhanh khi thành phố trở lại trạng thái bình thường, nhà máy liên tục xuất hiện ca nhiễm. Doanh nghiệp đã duy trì xét nghiệm nhanh định kỳ để tìm F0, ngày nhiều nhất 50 ca, có tuần 70-80 trường hợp nhiễm bệnh. Trước đây, số F1 thường gấp ba lần F0 mà phải ở nhà cách ly theo quy định của ngành y tế. Vì vậy, với hơn 1.000 lao động, có thời điểm công ty có số người nghỉ ở nhà chiếm gần 30%.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, đơn hàng gấp, nhân lực thiếu, ban giám đốc đang tính quay lại phương án "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, qua ghi nhận của tổ y tế, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi, tỷ lệ F1 trở thành F0 rất thấp. Ngay lúc này, ngành y tế thành phố ban hành quy trình xử lý khi phát hiện ca nhiễm COVID-19, trong đó có điều kiện cho F1 đi làm khiến doanh nghiệp đã giải được bài toán thiếu lao động do F0 tăng nhanh. Theo đó, khi công nhân trở thành F1, nhà máy cho xét nghiệm nhanh, đảm bảo âm tính và được theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày. Mỗi ngày tổ y tế nhà máy đều lên danh sách F1, thông báo đến từng khu vực để người xung quanh chú ý tuân thủ 5K. Khu vực của F1 được phun khử khuẩn hàng ngày, không tổ chức ăn uống tập trung. Sau khi cho F1 đi làm, hoạt động sản xuất của nhà máy được đảm bảo. Các ca nhiễm ở doanh nghiệp không tăng so với trước.
Tương tự, những ngày qua Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình với hơn 4.400 lao động cũng đã bố trí lao động là F1 đi làm bình thường để duy trì hoạt động sản xuất nhằm giải bài toán F0 tăng nhanh. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công cho biết, sau Tết nguyên đán 2022, nhà máy ghi nhận nhiều ca nhiễm. Có thời điểm cả dây chuyền, xưởng sản xuất không có người làm vì F0, F1 phải nghỉ làm ở nhà cách ly.
"Lao động F0, F1 nghỉ làm tại nhà đã ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn hàng gấp công ty đã ký. Ngoài ra, công ty tốn rất nhiều chi phí khi vừa trả ít nhất 70% lương cho công nhân nghỉ lại không có người làm. Mặt khác, nhiều người lao động còn mong muốn đi làm vì họ không muốn ở nhà do bản thân họ không hề là F0. Vì vậy, quy định cho F1 được đi làm đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí rất nhiều và không rơi vào cành thiếu hụt lao động trầm trọng để vất vả tuyển lao động bổ sung. Hiện nay, việc tuyển lao động bổ sung cũng không phải chuyện đơn giản", ông Nguyễn Hữu Tuấn nói.
Theo thống kê của Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong 18 Khu công nghiệp, Khu chế xuất của thành phố có hơn 350.000 lao động, gần 100% đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19, phần lớn đã được tiêm mũi tăng cường. Chiếu theo hướng dẫn về phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hồi tháng 11/2021, hầu hết nhà máy đủ điều kiện bố trí F1 đi làm. Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, khi đó hướng dẫn của ngành y tế thành phố phù hợp Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 nhưng vẫn quy định F1 phải ở nhà cách ly. Tuy nhiên, khi ngành y tế có hướng dẫn cụ thể và thay đổi chấp thuận cho F1 đi làm khi có xét nghiệm âm tính vao ngày thứ 3 và thứ 7 sau khi tiếp xúc với F0 đã giúp các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất phục hồi nhanh hơn, duy trì nhân lực sản xuất trong lúc thiếu hụt lao động do F0 tăng nhanh.