Chiều 19/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh đã đi khảo sát về việc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Canh Tý 2020 tại các chợ đầu mối và các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi và mức giá đẩy lên cao nên lượng thịt lợn nhập chợ các ngày gần đây dao động 280 - 300 tấn/đêm (tương đương khoảng 4.300 con) giảm 25% so với mức bình quân 2019, dự kiến còn giảm nhiều so với cùng kỳ Tết các năm trước. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đảm bảo khả năng 100% cho nhu cầu thị trường.
“Sở dĩ vẫn đảm bảo nguồn cung là do nguồn lợn tại các trại nuôi vẫn còn, đặc biệt nguồn lợn từ các công ty, doanh nghiệp. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đang giảm mạnh do giá cao sẽ giúp giảm áp lực lên nguồn cung. Ngoài ra, thời điểm Tết, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp nghỉ làm do đó cơ bản sẽ cân đối được cung cầu thịt lợn vào dịp Tết", ông Tiển nói.
Nói về giá thịt lợn tại các chợ đầu mối, ông Tiển cho rằng, hiện nay nguồn cung thịt lợn chủ yếu được thương lái lấy từ các công ty, doanh nghiệp nên rất khó kiểm soát giá và dự báo đến Tết giá thịt lợn khả năng sẽ tăng.
Ghi nhận tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá thịt lợn hơi đang tăng chóng mặt, có thời điểm giá lợn hơi tăng lên mức 135.000 đồng/kg, tăng 40 - 50.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi tại các chợ đầu mối tăng đã khiến giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ truyền thống tăng cao.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua là do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lợn nhiễm bệnh bị buộc tiêu hủy, các vùng nuôi nhiễm dịch bị hạn chế tái đàn. Cụ thể, tổng đàn lợn của cả nước giảm khoảng 30% so với năm 2018, riêng tỉnh Đồng Nai hiện duy trì hơn 1,2 triệu con, giảm 52% so với tháng 4. Mặt khác, chi phí chống dịch tăng làm chi phí chăn nuôi tăng theo cũng là một nguyên nhân trực tiếp làm giá lợn hơi tăng trong những ngày gần đây.
Về giải pháp nhập khẩu thịt lợn để hạ nhiệt giá thịt lợn, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị thành phố tham mưu Trung ương để có chính sách tăng cường nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, lợn hơi từ các nước lân cận chưa nhiễm dịch hoặc có thể kiểm soát dịch. Đồng thời có chính sách hỗ trợ giảm hoặc miễn thuế suất đối với mặt hàng thịt lợn nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam như: Australia, Bỉ, Brazil, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ... Lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt lợn nhập khẩu chỉ tương đương khoảng 70% giá lợn trong nước. Ngoài ra, phần lớn lợn đông lạnh chủ yếu cung ứng cho các hoạt động sản xuất thực phẩm chế biến, nhà hàng, bếp ăn… Sản lượng lợn nhập khẩu tăng góp phần hạn chế đà tăng của giá lợn hơi trong nước thời gian qua, vì vậy, cần được khuyến khích trong thời gian tới.
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban kinh tế ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, giá thịt đang lợn tăng khiến tâm lý người dân hoang mang và e ngại vì thời điểm Tết Nguyên đán lượng tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng cao. Một số người dân đã có tâm lý chuyển hướng sang dùng các loại thịt khác thay thế thịt lợn tuy nhiên đây là giải pháp tình thế bởi người dân vẫn có thói quen dùng thịt lợn. Vì vậy, để đảm bảo bình ổn giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công Thương và các ban, ngành có vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn cung, bình ổn giá cho các mặt hàng phục vụ Tết. Đặc biệt, các đơn vị không thể chủ quan với nguồn cung từ chợ đầu mối đối mặt hàng thịt lợn để trấn an tinh thần người dân. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các mặt hàng tươi sống.