TP Hồ Chí Minh đề xuất dùng vốn ngân sách đầu tư tuyến nối cảng Cát Lái

UBND Thành phố bổ sung quy hoạch tuyến đường nối khu vực cảng Cát Lái – Phú Hữu vào cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND Thành phố bổ sung quy hoạch tuyến đường nối khu vực cảng Cát Lái – Phú Hữu vào cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Chú thích ảnh
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã chủ trì, phối hợp UBND thành phố Thủ Đức, doanh nghiệp cảng dọc tuyến đường và các đơn vị tư vấn nghiên cứu, rà soát các đồ án quy hoạch liên quan, thông tin các dự án, công trình bị ảnh hưởng bởi tuyến đường liên cảng. Các đơn vị thống nhất phương án tuyến với điểm đầu là đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối là nút giao đường Vành đai 3 và cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Chiều dài tuyến khoảng 6 km, mặt cắt ngang rộng 60m.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện khu vực này có 3 tuyến đường đang và sẽ tổ chức thu phí theo hình thức hợp đồng BOT. Trường hợp đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu theo hình thức BOT sẽ gặp nhiều khó khăn về tính khả thi thu phí hoàn vốn. Đồng thời, dễ gặp phản ứng của các doanh nghiệp vận tải. Các doanh nghiệp này hiện đang phải nộp phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải cho rằng, với khả năng vốn ngân sách Thành phó được bổ sung tăng thêm từ nguồn thu phí hạ tầng cảng biển, việc triển khai xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố sẽ thuận lợi, phù hợp. Do đó, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận thực hiện đầu tư dự án từ nguồn vốn ngân sách thành phố (vốn đầu tư công) thay hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Dự án cần sớm triển khai để kết nối đồng bộ với đường Vành đai 3 và cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao UBND thành phố Thủ Đức chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan khẩn trương tổ chức bổ sung quy hoạch tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu, điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu có liên quan và cập nhật vào quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Cảng Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Sản lượng hàng container của cảng này hiện chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% so với các cảng trên cả nước. Giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái – Phú Hữu hiện rất khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Khi hình thành, tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh… kết hợp điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, bổ sung các khu vực dịch vụ logistics lân cận cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu.

 

Tiến Lực (TTXVN)
Nhiều bất cập tại cao tốc Long Thành – Dầu Giây
Nhiều bất cập tại cao tốc Long Thành – Dầu Giây

Đầu năm 2015, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây thông xe toàn tuyến, nhưng đến nay việc quyết toán chi đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân cũng như những chi phí phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN