Trong đó thu nội địa là 278.628 tỉ đồng, tăng 2,31% so với dự toán năm 2019, tăng 3,4% so với thực hiện năm 2019. Để đạt chỉ tiêu này, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, cho biết phải thực hiện nhiều biện pháp dựa trên Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Cụ thể, đẩy mạnh cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cũng như theo dõi việc thực hiện thu nộp kịp thời đầy đủ và ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đôn đốc đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Đặc biệt, cần rà soát danh mục mặt bằng và địa chỉ nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, mặt bằng đã có chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai để thu hồi, tổ chức bán đấu giá.
Ngoài nguồn thu, việc kiểm soát chi cũng cần phải siết chặt và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Theo đó, thành phố cần tập trung triển khai hiệu quả đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực. Với các dự án đầu tư, cần rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư để trình UBND TP bố trí kế hoạch vốn năm 2020 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, ưu tiên vốn cho các công trình, dự án cấp bách. Riêng với các dự án ODA, thành phố sẽ thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn thực tế để điều chỉnh, giao kế hoạch vốn từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại hàng năm nhằm thúc đẩy tiến độ.
Năm 2019, TP Hồ Chí Minh thu ngân sách đạt 412.474 tỷ đồng, vượt 3,34% so với chỉ tiêu đề ra và tăng khoảng 9% so với năm 2018. So với cả nước, thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh năm 2019 bằng tổng thu ngân sách của 55 tỉnh, thành và cao hơn tổng số thu ngân sách của 4 thành phố Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ). Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một trong những kết quả nổi bật của TP Hồ Chí Minh nhưng cũng là nỗ lực và trách nhiệm rất lớn của thành phố. Bởi, tại Hội nghị Thành ủy mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã nhìn nhận: “Việc duy trì mức thu này đối với thành phố là rất khó khăn, phải có giải pháp đặc biệt”.
Có thể thấy, năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn suy giảm, kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước: tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,32% cao hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước (7%). Nhờ vậy, thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh đạt 412.474 tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 266.474 tỷ đồng, đạt 97,85%, tăng 9,63% so cùng kỳ; thu từ dầu thô tăng 2,86%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 12,02%...
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Năm 2016, dự toán ngân sách dành cho TP Hồ Chí Minh chỉ có 300.000 tỷ đồng, đến năm 2019, dự toán đã lên tới 400.000 tỷ đồng, thế nhưng thành phố vẫn vượt thu. Như vậy, cứ một năm thành phố lại tăng thu thêm 30.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực, không chỉ cho cả hệ thống chính trị thành phố mà là vì cả nước, cùng cả nước để góp phần tăng ngân sách của cả nước, từ đó giảm bội chi và giảm nợ công".
Cũng theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trong tổng thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh có 3 nguồn: thứ nhất là nguồn thu ngân sách mà Trung ương hưởng 100%, như thuế xuất khẩu và nhập khẩu; thứ 2 là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% như phí và lệ phí; thứ 3 là khoản thu rất quan trọng, đó là khoản thu mà được quy định theo luật ngân sách, cụ thể là tỷ lệ phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố, bình quân khoảng 150.000 tỷ đồng/năm.
Để có được mức thu trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các giải pháp đặc biệt. Thứ nhất, triển khai thể chế mô hình về chính quyền đô thị; thứ 2 là đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông kết nối giao thông đường bộ, giao thông hàng không với đường sắt đô thị; tăng đầu tư cho bệnh viện, trường học để phục vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang trong quá trình triển khai làm lại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trong đó, đáng chú ý là phát triển khu Đô thị sáng tạo phía đông cũng như phát triển thêm các cụm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao…
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và thu ngân sách năm 2020 tăng hơn năm 2019, UBND TP Hồ Chí Minh hiện đang nghiên cứu đề án kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ điều tiết hợp lý để thành phố có đủ nguồn lực, đủ điều kiện phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và tiếp tục đóng góp lớn cho cả nước. Bởi thực tế, con số ngân sách TP Hồ Chí Minh được hưởng lại ngày càng giảm do tỷ lệ điều tiết ngân sách giảm. Cụ thể, năm 2003 tỷ lệ điều tiết là 33%; nhưng đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, tỷ lệ này chỉ còn 18%. Điều này tác động đến nguồn lực để tái đầu tư phát triển TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị Trung ương nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương của thành phố cũng như các thành phố khác. Trong đó, tỷ lệ điều tiết cho TP Hồ Chí Minh nên thực hiện từng bước trong 10 năm (2020-2030), từ 18% lên 33% nhằm đảm bảo thành phố có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, từ đó mới có thể tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và đóng góp lớn nhất cho cả nước.
Không chỉ cần nguồn lực về tài chính, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cũng đang cần rất nhiều nguồn lực, như nhân sự và rất nhiều chính sách từ phía Quốc hội, Chính phủ để làm sao cho sự phát triển của thành phố đáp ứng được yêu cầu của người dân. Ngoài ra, Trung ương nên xem xét, nghiên cứu đầu tư thêm nguồn tiền để cho thành phố đầu tư hạ tầng giao thông, cây xanh nơi công cộng và bệnh viện… Bởi, có thể thấy hiện nay, kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh đã quá tải, từ hạ tầng về giao thông đường bộ đến hàng không; chưa kể áp lực dân số tăng nhanh đã làm quá tải về bệnh viện, trường học… thậm chí cả vấn đề xử lý nước thải, rác thải, gây ô nhiễm môi trường…
"Đã đến lúc chúng ta phải xem xét tỷ lệ phân chia này. Bởi các thành phố khác trên thế giới như Tokyo, Seoul, Thượng Hải… tỷ lệ ngân sách để lại rất cao, thậm chí lên tới trên 50%. Nếu chúng ta không có một cơ chế tháo gỡ cho TP Hồ Chí Minh để giải quyết các tắc nghẽn này, thành phố sẽ rất khó trong việc thu hút vốn đầu tư, sẽ dẫn đến rất khó có khả năng tăng trưởng cao hơn để đóng góp vào nguồn thu ngân sách trong thời gian tới”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết.
Cũng theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, điều này sẽ có lợi cho cả hai bên. Trước đây, năm 2017, Quốc hội đã nhìn thấy được điều này và dành cho TP Hồ Chí Minh một cơ chế đặc thù ở những thể chế nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đủ. Với yêu cầu của thành phố, vẫn cần có thêm nguồn lực về tài chính. Vì vậy, tới đây cần có sự thay đổi để vừa đảm bảo bức tranh tổng thể của ngân sách chung cả nước, nhưng đồng thời cũng đảm bảo cho sự tái phát triển của TP Hồ Chí Minh.