Những ngày cuối năm 2021, phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường cao tốc Bắc Nam dự án thành phần Mai Sơn - QL45, ghi nhận không khí thi công sôi động của cán bộ, công nhân, người lao động, tư vấn, giám sát, nhà thầu thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long (đơn vị chủ đầu tư - Bộ GTVT) tại hiện trường.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 cho biết, dự án khởi công từ tháng 9/2020, đến cuối năm 2021 ước đạt tiến độ tổng thể khoảng 45% giá trị xây lắp theo hợp đồng, tương đương sản lượng hơn 3.000 tỷ đồng. Để đảm bảo mục tiêu cán đích cuối năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT giao, dự án đang tập trung huy động mọi nguồn lực, triển khai 68 mũi thi công tại 5 gói thầu, gồm 30 mũi thi công đường, 34 mũi thi công cầu và cấu kiện, 4 mũi thi công hầm.
Video phóng viên ghi nhận toàn cảnh cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tăng tốc thi công:
Ghi nhận tại hiện trường, các nhà thầu dự án vẫn đang duy trì thi công hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Công trường các gói thầu đều duy trì hàng trăm công nhân hàng ngày để tăng tốc thi công. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi của mùa khô, 5 gói thầu dự án đều tập kết máy móc, vật liệu, trạm trộn tại chỗ để thi công móng mặt đường, thảm cấp phối đá dăm, đắp nền đường chờ gia tải, khoan cọc nhồi, xử lý nền đất yếu... đảm bảo kế hoạch thảm bê tông nhựa từ tháng 3/2022. Theo kế hoạch của Bộ GTVT giao, cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ hoàn thành vào tháng 12/2022.
Riêng hầm Tam Điệp qua núi Tam Điệp kết nối 2 tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình, hạng mục quan trọng của gói thầu số 10 - XL dự kiến trong tháng 12/2021 sẽ xong phần bê tông vỏ cả 2 ống hầm, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong tháng 4 - 5/2022, vượt đến 6 - 7 tháng so với kế hoạch. Bên cạnh đó, hầm Thung Thi, hầm lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Thanh Hóa, dài 680 m/ống xuyên núi giáp ranh giữa 2 xã Hà Tiến, Hà Lĩnh (Hà Trung), khởi công tháng 2/2021 thuộc gói thầu 12 - XL hiện cũng thông cả hai ống hầm, phấn đấu hoàn thành trong tháng 9/2022, trước 3 tháng đề ra so với kế hoạch.
Tuy nhiên, theo các tư vấn giám sát các gói thầu, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án vẫn là thiếu vật liệu đất đắp nền đường, nhất là nguồn cung tại địa phương. Vì vậy, các nhà thầu, đơn vị thi công đề xuất Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Thăng Long phối hợp chặt chẽ với địa phương tháo gỡ thủ tục cấp phép, khai thác, nâng công suất các mỏ vật liệu... đảm bảo đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu và tiến độ thi công theo kế hoạch.
Đến thời điểm này, gói thầu 10 - XL (Km274 +111,86 - Km 289+500) dài hơn 14 km do liên danh nhà thầu Xuân Trường - Sơn Hải đang triển khai 16 mũi thi công, sản lượng đạt khoảng 45% tổng thể. Gói thầu 11 - XL (Km289+500 - Km301+000) dài 11,5 km do 3 nhà thầu đảm nhiệm thi công gồm: Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Tổng công ty 319 - Công ty TNHH Định An đang tổ chức 16 mũi thi công, hiện đạt sản lượng gần 40% giá trị hợp đồng. Gói thầu 12 - XL (Km301+000 - Km307+600) dài 6,6 km do liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hoàng Long đảm nhiệm đang tổ chức 8 mũi thi công, đạt sản lượng hơn 33% giá trị hợp đồng. Hai gói thầu 13 - XL, 14 - XL cũng đang được các nhà thầu tập trung triển khai thi công, đạt giá trị gần 45%.
Tại cuộc kiểm tra cao tốc Mai Sơn - QL45 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu dồn lực thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi vượt tiến độ, dự phòng cho việc khó thi công thực hiện dự án vào mùa mưa; đồng thời, 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà thầu trong quá trình thi công, giải quyết mọi khó khăn để dự án cán đích đúng hẹn.
Cao tốc Mai Sơn - QL45 giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25 m, đạt vận tốc thiết kế 120 km/giờ; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17 m, đạt vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội - Thanh Hoá chỉ còn hơn 2 giờ thay vì hơn 3 giờ hiện nay; đồng thời, tạo lực đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư cho các địa phương có cao tốc đi qua.