Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) phối hợp với Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Brussels (Hub.Brussels), Cơ quan Đầu tư và Thương mại vùng Flanders (FIT), Cơ quan đầu tư và xuất khẩu vùng Wallonie (AWEX) và Liên minh Bỉ -Việt (BVA), tổ chức. Đây là một trong những sự kiện kinh tế chính giữa hai nước được tổ chức sau một thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh COVID-19.
Diễn đàn được tổ chức nhân dịp Hội nghị Tham tán Thương mại các vùng của Bỉ với sự tham dự của đại diện Tổng vụ Thương mại Ủy ban châu Âu (EC), cùng đông đảo các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của hai bên và đặc biệt là đoàn Hội doanh nhân trẻ Việt Nam gồm 60 thành viên đến từ Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối với doanh nghiệp Bỉ.
Diễn đàn lần này không chỉ mang lại động lực mới thúc đẩy thương mại và đầu tư Việt Nam-Bỉ, mà còn là dịp rất ý nghĩa để giúp cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị tốt trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình quốc tế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các diễn giả Eric Blétard - Cao ủy kinh tế và thương mại vùng Wallonia tại Việt Nam, và Eve Devoldere - Cao ủy kinh tế và thương mại vùng Flanders tại Việt Nam, giới thiệu về tiềm năng và thế mạnh của mỗi vùng của Bỉ. Vùng nói tiếng Pháp Wallonia nổi bật với lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học, xây dựng cơ sở hạ tầng, nuôi trồng thủy, hải sản và đào tạo các chuyên gia công nghệ thông tin trong lĩnh vực băng thông rộng. Thế mạnh của vùng Flanders nói tiếng Hà Lan là công nghệ đóng tàu, nông nghiệp, công nghệ cao và năng lượng sạch. Tất cả những lĩnh vực này đều là những cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ.
Cũng tại diễn đàn, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ, Trần Ngọc Quân, đã tóm tắt về tình hình đầu tư ở Việt Nam, trong khi Tùy viên hải quan tại ASEAN đề cập đến việc tận dụng các cơ chế của hải quan trong công tác xuất nhập khẩu. Đây là những thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam và Bỉ còn rất nhiều tiềm năng hợp tác. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi và kiến tạo để cộng đồng doanh nghiệp có thể khai thác các tiềm năng này.
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, có bốn lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Bỉ là nông nghiệp; tăng trưởng xanh; cảng biển và logistics; cũng như đổi mới sáng tạo. Việc triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp là giải pháp quan trọng để gắn kết thế mạnh của Bỉ về ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản lạnh… với nhu cầu của Việt Nam. Chuyển đổi hướng đến tăng trưởng xanh là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế Việt Nam. Đại sứ hoan nghênh các khoản đầu tư mới của Bỉ trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời, thương mại điện tử, đô thị thông minh và bền vững trong tiến trình thực hiện các chiến lược và kế hoạch của Việt Nam.
Cũng theo Đại sứ, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ trong lĩnh vực cảng biển và logistics sẽ là chìa khóa bảo đảm tự do lưu chuyển hàng hóa và thúc đẩy thương mại toàn cầu. Liên quan đến đổi mới, sáng tạo, với lợi thế về lực lượng lao động trẻ và tay nghề cao, Việt Nam sẽ là đòn bẩy để các công ty Bỉ mở rộng sang thị trường ASEAN.
Bà Mariella Cantagalli - chuyên viên về quan hệ với Việt Nam và ASEAN thuộc Tổng vụ thương mại Ủy ban châu Âu (EC), đã đánh giá cao Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia EU nói chung và Bỉ nói riêng, đặc biệt là thực phẩm và nông sản.
Lần đầu tiên tham dự diễn đàn kinh doanh với Việt Nam được tổ chức ở Brussels, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhấn mạnh diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Bỉ-Việt Nam tạo điều kiện để hai bên cùng tìm hiểu về những cơ hội hợp tác, xu hướng đầu tư mới vào Việt Nam và Bỉ. Ông Đặng Hồng Anh hy vọng, với thể chế chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định và thị trường gần 100 triệu dân, lực lượng lao động trẻ, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều cải cách tích cực trong nền kinh tế, vị trí địa lý và thị trường tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường kinh doanh mở, môi trường pháp lý đang ngày càng được cải thiện, sự tích cực trong hội nhập toàn cầu, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của giới đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Bỉ.
Bên lề diễn đàn, các đại biểu cũng đã thưởng ngoạn âm nhạc truyền thống Việt Nam do các nghệ sĩ từ Nhà văn hóa Việt Nam biểu diễn, triển lãm ảnh về danh lam, thắng cảnh của Việt Nam đồng thời còn được thưởng thức ẩm thực Việt Nam.
Việt Nam và Bỉ đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Trong 49 năm vừa qua, quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Bỉ không ngừng phát triển. Hai bên đã trở thành đối tác chiến lược về nông nghiệp, kim ngạch thương mại song phương đạt kỷ lục 3.6 tỷ euro năm 2021, với tỷ lệ xuất khẩu của Bỉ tăng 40.7% và Việt Nam tăng 22.7%.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, thương mại song phương đã đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác lớn thứ 2 của Bỉ trong ASEAN, sau Singapore. Đến hết tháng 5, Bỉ hiện có 81 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,1 tỷ USD.