Tăng trưởng tín dụng tháng 10 có dấu hiệu chậm lại
Theo "tư lệnh" ngành Ngân hàng, từ đầu năm đến nay, số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp bị giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của COVID-19.
Nếu như tín dụng có cải thiện đôi chút vào quý III/2023, tới đầu tháng quý IV/2023, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại. Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối ngày 27/10, tín dụng toàn ngành đối với nền kinh tế tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. So với mức kế hoạch đặt ra vào đầu năm là 14%, tới thời điểm hiện tại, tín dụng tăng còn khiêm tốn.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại, một số chuyên gia kinh tế phân tích, mục tiêu 14% năm nay là khó khả thi. Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt khoảng 12%, do thị trường bất động sản trầm lắng, xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất gặp khó khăn…
“Về nguồn cung tín dụng, thời gian qua, NHNN đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng (TCTD), theo đó thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các TCTD rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân; đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các Bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu giải pháp.
Tiếp tục chất vấn Thống đốc về tín dụng, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đặt câu hỏi: NHNN đã thực hiện Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng đến đâu?
Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết: Room tín dụng là một trong các giải pháp điều hành của NHNN, cùng với các công cụ chính sách khác và được điều hành bám sát với chỉ đạo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được NHNN đưa ra định hướng đầu năm. Việc phân bổ hạn mức tín dụng dựa theo xếp hạng các tổ chức tín dụng (TCTD), có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính, quan trọng nhất là dựa trên kết quả xếp hạng các TCTD.
Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu NHNN tiến tới xóa bỏ room tín dụng song NHNN đã tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế, các đại biểu quốc hội và các ý kiến đều thống nhất ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng. Bởi hiện nay nhu cầu vốn nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo của WB, nếu bỏ chỉ tiêu này có thể làm tỷ lệ này càng trở nên rủi ro.
"NHNN chỉ có thể bỏ room tín dụng khi các phân khúc khác của thị trường vốn hoàn thiện. Chúng tôi tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu, việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn", Thống đốc cho biết.
Báo cáo Quốc hội trước đó, Thống đốc NHNN cho hay: Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.
Một số khoản vay ở mức lãi cao là do ngân hàng từng huy động cao
Trước đó tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Lãi suất luôn là vấn đề mà nền kinh tế, doanh nghiệp, khách hàng, người vay tiền ngân hàng rất quan tâm. “Hiện nay nhìn tổng quan, tôi cho rằng đã đạt mục tiêu đó là giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng cũng như hỗ trợ thêm việc mở rộng đầu tư để tăng GDP trong năm nay”, đại diện NHNN khẳng định.
Tuy nhiên Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng phân tích: “Nếu giảm lãi suất - chỉ nghĩ đến việc cho vay, huy động và cho vay, tức là làm sao huy động thấp, ngân hàng sẽ cho vay ra thấp. Tuy nhiên việc huy động vốn còn phụ thuộc vào vấn đề lạm phát và các chỉ số khác. Vì thế, lãi suất huy động hiện đã giảm nhưng phải tính toán giảm ở mức độ nào cho phù hợp? Lãi suất cho vay giảm ở mức độ nào cũng là một chỉ số rất cần quan tâm trong chỉ đạo điều hành phù hợp của NHNN trong chỉ số kinh tế vĩ mô nói chung”.
Theo Phó Thống đốc NHNN, lãi suất quan hệ rất chặt với tỷ giá. Nếu lãi suất tiền đồng Việt Nam quá thấp, giá tỷ giá lại đang cao, đặc biệt lãi suất ngoại tệ của các nước có ảnh hưởng đến Việt Nam đang rất cao - dễ tạo ra sự chênh lệch và tình trạng đô la hóa xuất hiện cũng như vấn đề tỷ giá có thể bị phá vỡ. Do vậy, NHNN phải điều hành làm sao phù hợp trong quan hệ với tỷ giá. Đây là một yếu tố rất là phức tạp và cũng phải rất là cân nhắc khi điều hành.
Ngoài ra, lãi suất còn liên quan đến rất nhiều những vấn đề trong nền kinh tế, kể cả chính sách tài khóa trong phát hành trái phiếu; tình hình huy động nguồn lực của nhà nước hay là sử dụng khoản cho vay của Nhà nước cũng là một vấn đề lớn. Trong điều hành lãi suất, NHNN phải đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
NHNN đặt mục tiêu cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại (NHTM) khoảng từ 1 - 1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới đã giảm khoảng 2 - 2,2%, vượt hơn kỳ vọng và mong muốn ngay từ đầu năm với mức lãi suất giảm.
Tất nhiên theo ông Đào Minh Tú, hiện vẫn còn một số khoản cho vay trước đây, khi các NHTM huy động cao nên vẫn còn đang neo cao, do độ trễ của chính sách. Để đảm bảo hài hòa các phương án tài chính của các NHTM khi huy động cao thì cho vay cũng tương xứng, tương đồng với nó.
"NHNN đã đề nghị các NHTM bằng mọi biện pháp, kể từ nay đến cuối năm phải tiết giảm, kể cả những lãi suất cho vay trước đây để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.