Thiếu vốn, đói đơn hàng
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2023, cả nước có hơn 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập chỉ hơn 33.900 doanh nghiệp. Đây là năm đầu tiên trong lịch sử các quý I, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Tìm hiểu thực tế, khó khăn về thị trường đầu ra đã khiến các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm quy mô sản xuất, theo đại diện Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải giảm giờ làm, thậm chí đóng cửa do các thị trường truyền thống như Mỹ, EU đều giảm mạnh nhu cầu, giảm đơn hàng.
Các doanh nghiệp chịu áp lực từ nhiều phía. Sức mua trong nước yếu, các đơn hàng xuất khẩu không có. Nhiều đối tác của doanh nghiệp cũng chịu cảnh khó khăn, thậm chí phá sản, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso cho hay.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans chia sẻ, đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may trong quý I giảm 19% so với cùng kỳ; trong đó thị trường Mỹ và EU giảm khoảng 40%, Nhật giảm 17%.
Cộng đồng doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực từ việc giảm đơn hàng, nhu cầu sụt giảm mạnh tại các thị trường chính. Không chỉ vậy, việc tiếp cận vốn tín dụng, các thủ tục hành chính cũng còn nhiều khó khăn. Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho hay, tiếp cận vốn vay là khó khăn mà hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải. Dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp giảm lãi suất, tiếp cận vốn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có thể vay vốn là rất ít, vì những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và các thủ tục vay vốn. Lãi suất huy động đã giảm xuống dưới 9%, nhưng thực tế doanh nghiệp có vay được mức lãi suất ưu đãi không? Nhiều đơn vị cho biết mức lãi suất đi vay vẫn từ 11 - 12%...
Có mặt tại Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, doanh nghiệp này dù vẫn sản xuất, nhưng chỉ được xem như cầm chừng với 5 - 7 công nhân. "Đơn hàng sụt giảm, vay vốn để duy trì sản xuất và giữ chân lao động lại không dễ do thẩm định của ngân hàng. Yêu cầu phải có dòng tiền, có lãi và tăng trưởng, trong bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận", ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc SKD cho hay.
Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu có xu hướng tăng cao... Nếu tình trạng khó khăn này kéo dài, thị trường không thể phục hồi trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải thu hẹp sản xuất, mất thị trường, thậm chí rời khỏi thị trường sản xuất.
Hỗ trợ phải quyết liệt
Chính phủ và các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước đều ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Có thể kể đến như Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ doanh nghiệp; hay các chính sách về giảm lãi suất, giảm thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, chính sách hỗ trợ cần sự quyết liệt hơn, triển khai sớm và cụ thể hơn để có thể đạt hiệu quả cao nhất.
"Điều đầu tiên là lãi suất cho vay cần giảm về mức thấp hơn, hợp lý với "sức khỏe" của doanh nghiệp hiện tại. Với mức lãi trên 10% như hiện nay thì doanh nghiệp không chịu đựng được, nhất là những doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo, cơ khí, vốn có đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Cùng đó, các điều kiện về vay vốn, tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay cần linh hoạt hơn. Nếu vẫn áp dụng các nguyên tắc về có lãi, tăng trưởng...thì rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận", ông Đào Phan Long cho hay.
Ngoài việc có mức lãi suất ưu đãi hơn, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, cần có thêm chính sách về giãn nợ, gia hạn nợ để doanh nghiệp có dòng vốn chi trả lương cho người lao động, cầm cự vượt qua những tháng khó khăn sắp tới, chờ cơ hội phục hồi của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, năm 2023, làn sóng đầu tư FDI sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á nên dư địa phát triển ngành này còn rất nhiều. Để gỡ khó, ngoài việc hỗ trợ tiếp cận vốn vay, thủ tục vay thì bản thân doanh nghiệp rất cần sự kết nối để tìm kiếm đầu ra sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại... Đồng thời quan tâm thêm về tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ngoài tín dụng có thể xét thêm nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ luôn mong muốn được tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, trong đó mong muốn sớm ban hành Luật Phát triển Công nghiệp hỗ trợ và các văn bản thực thi dưới luật. Điều đáng mừng là luật này đang được Quốc hội đề nghị đưa vào nghị trường thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023. Nhưng sau đó, việc ban hành các văn bản dưới luật cần hết sức cụ thể, trở thành “kim chỉ nam” để các cấp, các ngành chung tay thể chế hóa khuyến khích phát triển ngành.
Trao đổi tại cuộc họp mới đây với các địa phương, doanh nghiệp về phát triển công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phải tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án tạo cú huých về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động địa phương. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi chức trách, nhiệm của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực công thương...
Bài cuối: Chính sách tốt phải đi kèm thực thi tốt