Doanh nghiệp là động lực tạo tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Nói cách khác, đội ngũ doanh nghiệp lớn về số lượng, mạnh về chất lượng sẽ quyết định quy mô và sức cạnh tranh hùng mạnh cho nền kinh tế.
Hiện, cả nước có khoảng 865.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, 98% là doanh nghiệp tư nhân, quy mô nhỏ và vừa. Thực tế cho thấy, nhìn chung đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tương xứng với vai trò, mức đóng góp và kỳ vọng.
Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 đơn vị, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, doanh nghiệp đang trong tình trạng ảm đạm, số mới ra đời đã thấp hơn số “ra đi”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xét về quy luật thì luôn có sự ra đời cũng như phá sản của doanh nghiệp và đó là diễn biến bình thường. Nhưng nhìn chung, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thường nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mới công bố gần đây, kết quả cho thấy, 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các yếu tố khó khăn, gồm thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng, khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất vay cao, thủ tục vay vốn phức tạp và tốn nhiều thời gian…
Nhiều doanh nghiệp đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, lý do vì không có đơn hàng dự trữ.
Cùng với đó, do biến động trái phiếu và kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế đang bị thiếu thanh khoản. Nhà đầu tư có dấu hiệu suy giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm, nguồn vốn bị thu hẹp. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế chậm lại là vấn đề đã được dự báo do đà suy giảm kinh tế từ cuối năm 2022 sẽ kéo dài đến hết quý II/2023.
“Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp phải vừa thích nghi vừa điều chỉnh kế hoạch hoạt động. Về phía UBND và các sở, ngành cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp”, ông Trương Minh Huy khuyến nghị.
Theo dự báo, trong quý II/2023 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng sụt giảm. Sức mua của thị trường toàn cầu vẫn ở mức thấp.
Để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng, về cải cách thể chế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phải thực tế, vấn đề nào vướng mắc, chậm trễ phải đưa ra lí do cụ thể mới tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Dẫn chứng cho việc chậm triển khai chính sách, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một trong những chương trình Chính phủ đưa ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, chương trình triển khai còn chậm, không được như kỳ vọng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc thực hiện chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc; trong đó, triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt mức rất thấp (đến cuối tháng 2, mới chỉ 0,2%) trong tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra rằng, việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế rất chậm có phần nguyên nhân do đề xuất của các bộ, ngành, địa phương không sát thực tế. Có những dự án của Bộ Y tế sau này thay đổi gần như toàn bộ, còn rất nhiều dự án khác mà Bộ Y tế chưa giao mà không thể giao được. Bên cạnh đó, việc thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công, làm mất thêm thời gian trong khi thời gian thực hiện chương trình rất ngắn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã có 17 nghị quyết, công điện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 23 văn bản nhắc nhở nhưng không triển khai được. Chưa kể có cả e ngại trong việc thực hiện.
Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay, tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí vay.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của chương trình và đề xuất phương án xử lý số tiền còn lại không sử dụng hết. Tương tự, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần báo cáo Chính phủ về số tiền còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đề xuất phương án xử lý.
Tại cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh đến các giải pháp; đó là: các bộ, ngành, địa phương cần rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, lấy khu vực thuận lợi để bù đắp cho các khu vực khác, như dịch vụ, nông nghiệp tăng trưởng tốt thì đỡ cho khu vực chế tạo, công nghiệp xây dựng…
Thứ trưởng cũng cho rằng, phát triển thị trường trong nước là rất quan trọng. Bên cạnh các giải pháp đã đề ra từ đầu năm như trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và các Nghị quyết chuyền đề khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tham mưu về việc tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở. Các tỉnh, thành cũng nên thành lập các tổ công tác đặc biệt như vậy có thể giải quyết ngay những vướng mắc tại địa phương để mở rộng sản xuất kinh doanh. Có như vậy thì mới có thể tăng trưởng ở những quý tiếp theo.
Trước những khó khăn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần linh hoạt ứng phó trong điều kiện sản xuất kinh doanh không mấy tích cực, kiểm soát tốt nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, đảm bảo thanh khoản, giữ chân người lao động.
Việc Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo sửa đổi Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là tổ chức tín dụng) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được giới chuyên gia kỳ vọng có thể giãn, hoãn, khoanh các nhóm nợ cho các doanh nghiệp kịp thời. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, thời hạn cơ cấu nợ trong vòng 12 tháng là khoảng thời gian ngắn nên cần mở rộng thời hạn và đối tượng được cơ cấu nợ để hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn do sự suy giảm từ kinh tế toàn cầu. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành các thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai thông tư này khi thông tư có hiệu lực tới doanh nghiệp để chính sách tốt sớm phát huy hiệu quả.