Theo Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31/8/2018 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Tân Sơn Nhất sử dụng hệ thống nhà ga hành khách T1 và T2 hiện hữu; cải tạo, mở rộng nâng công suất đạt khoảng 30 triệu hành khách/năm. Quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía Nam với công suất đáp ứng đến 20 triệu hành khách/năm để nâng tổng công suất của toàn Cảng đạt 50 triệu hành khách/năm.
Cùng với cải tạo nhà ga T1, T2 và xây mới nhà ga T3, nhiều dự án giao thông kết nối sân nay cũng được quy hoạch để đáp ứng nhu cầu đi lại trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các dự án vẫn đang “nằm trên giấy” do vướng mắc thủ tục. Thời gian qua, khu vực quanh sân bay luôn trong tình trạng ùn tắc giao thông, trong khi bên trong sân bay cũng thường xuyên “quá tải” với lượng khách ngày càng tăng cao, vượt xa quy hoạch cũng như dự báo.
Bài 1: Ùn từ trong ra ngoài
Lượng hành khách đi lại tăng cao sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát khiến tình trạng quá tải trong sân bay Tân Sơn Nhất càng thêm trầm trọng. Chỉ 7 tháng năm 2022, hành khách qua ga quốc nội vượt xa thiết kế cả năm. Nhiều hành khách “vật vờ” mỗi khi đi và đến sân bay.
Quá tải từ bên trong
Cao điểm hè tháng 7/2022, sản lượng hành khách trong nước tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng trưởng “nóng”, đạt gần 3,1 triệu hành khách, vượt 30,5% so với cùng kỳ 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Tổng lượng khách đi, đến tiếp tục đạt con số kỷ lục vượt 123.000 lượt khách/ ngày. Gần đây, tình hình mới “hạ nhiệt” nhưng vẫn khá căng thẳng ở giờ cao điểm.
Chờ đón xe công nghệ tại sân bay Tân Sơn Nhất, chị Nguyễn Mỹ Anh (ngụ quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh) cho biết đã đứng chờ hơn 15 phút nhưng xe vẫn chưa tới. Đây không phải lần đầu tiên phải chờ đợi như vậy, nhất là mỗi khi quay trở về sân bay Tân Sơn Nhất dịp lễ. Đợt này không đông người xếp hàng chờ xe như trước nhưng cũng rất vất vả.
Tại làn D1 và D2 dành cho xe công nghệ đón khách thường xuyên diễn ra tình trạng ùn ứ. Lượng xe vào rất ít, cung không đủ cầu khiến hành khách xếp hàng đứng chờ tài xế. Tình trạng ùn tắc giao thông do xung đột giao thông giữa làn D1 và D2 cũng diễn ra tại trạm thu phí, xe ô tô xếp hàng nối đuôi nhau, nhất là khi lượng hành khách đông.
Trong khi đó, các tuyến xe buýt ở sân bay Tân Sơn Nhất đón trả khách tại làn B - chung với làn của xe cá nhân (làn kết hợp). Giờ cao điểm, lượng hành khách xuống sân bay Tân Sơn Nhất khá đông. Đặc biệt, tại làn xe hỗn hợp thường xuyên diễn ra tình trạng ùn ứ. Điểm dừng đỗ của xe buýt đều bị xe ô tô cá nhân “chiếm dụng”. Một số thời điểm, xe buýt rất khó vào đón khách.
Cùng với xe công nghệ và taxi, sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 tuyến đón trả khách tại ga quốc nội là tuyến 152 (Khu dân cư Trung Sơn – sân bay Tân Sơn Nhất) và tuyến 109 (Bến xe buýt Sài Gòn – sân bay Tân Sơn Nhất). Đây được xem là những phương tiện có thể góp phần giải tỏa hành khách khi khối lượng vận chuyển lớn và giá vé rẻ. Tuy nhiên, mỗi chuyến xe buýt rời sân bay có số lượng hành khách đếm trên đầu ngón tay.
Gần đây, tuyến xe buýt không trợ giá 109 được đưa vào khai thác với phương tiện nhỏ gọn 14 chỗ ngồi và 6 chỗ đứng, xe đời mới hiện đại; giá vé chỉ từ 8.000 – 15.000 đồng/lượt. Dù vậy, trong tuần đầu hoạt động, tuyến này chỉ có hơn 1.000 khách, trong khi mỗi ngày theo kế hoạch có khoảng hơn 100 chuyến. Hiện nay, số lượng khách đi xe buýt có khả quan hơn, nhưng cũng chưa đáng kể, không như kỳ vọng.
Tại cuộc với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cuối tháng 8/2022, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam Nguyễn Minh Tuấn nhìn nhận, xe buýt chưa thuận tiện nên người dân chưa sử dụng nhiều. Vì vậy, nên chọn loại xe buýt phù hợp, có khoang để hành lý và có bến đậu rõ ràng; không nên tấp giữa đường để khách “nhảy lên” như hiện nay. Khách đi máy bay có hành lý xách tay, ký gửi nên khi thấy xe buýt như thế thì ngại đón.
Sản lượng hàng khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất trong năm 2021 là 10,28 triệu hành khách, giảm 53,38% so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, hoạt động vận chuyển hàng không đã có sự khởi sắc. Từ tháng 2/2022, lượng hành khách thông qua đường hàng không không ngừng tăng lên nên nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải tăng cao. Lượng xe taxi, xe hợp đồng điện tử không đáp ứng đủ dẫn đến tình trạng thiếu xe phục vụ hành khách, tranh giành, chèo kéo, làm giá với khách.
Theo báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động các đơn vị vận tải gặp nhiều khó khăn, giá nhiên liệu tăng cao, hoạt động vận tải không đạt hiệu quả, không đủ lái xe (do lái xa bỏ nghề). Số lượng phương tiện của các hãng taxi, xe hợp đồng điện tử trên toàn thành phố giảm khoảng 50% (từ 9.000 xe trước dịch xuống chỉ còn khoảng 4.500 xe taxi; 45.000 xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ xuống còn 23.000 xe).
Với lượng khách quốc nội đến trung bình tháng 7/2022 là 50.000 khách/ ngày và số lượng khách có nhu cầu sử dụng xe kinh doanh vận tải 20-25%, sân bay Tân Sơn Nhất cần từ 10.000 – 12.000 lượt xe/ ngày. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, các đơn vị cung cấp chỉ đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu của hành khách vào giờ bình thường. Tình trạng thiếu xe thường xảy ra vào khung giờ từ 19 giờ đến 23 giờ, thứ Bảy, Chủ nhật, các ngày xảy ra thời tiết bất thường.
Bên cạnh đó, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng phân tích, tình hình khai thác slot hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Các hãng hàng không thay đổi kế hoạch khai thác chưa đúng với slot được cấp, số lượng chuyến bay chậm trễ còn cao, thay đổi giờ khai thác nên chuyến bay bị dồn tập trung trong một khung giờ, làm quá tải năng lực khai thác cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ tại Cảng.
Tắc cả lối vào
Bên trong sân bay Tân Sơn Nhất quá tải trầm trọng. Bên ngoài cũng chẳng khá hơn, khi các tuyến đường xung quanh sân bay luôn trong tình trạng ù ứ, nhất là thời gian cao điểm, ngày lễ tết hoặc khi có sự cố giao thông. Hành khách đi và đến sân bay luôn luôn lo lắng, sợ bị trễ chuyến bay vì kẹt xe.
Từ nhà anh Nguyễn Long Phụng (ngụ phường Tân Thới Nhất, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh) đi vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một tuyến đường “độc đạo” là đường Cộng Hòa (trừ trường hợp đi đường vòng xa). Mỗi khi có việc đi tới sân bay, anh phải chủ động đi trước hơn một tiếng đồng hồ cho “an toàn”. Cộng cả giờ làm thủ tục trước hai tiếng, anh mất khoảng 3 tiếng để bắt đầu hành trình cho chuyến đi.
Anh Nguyễn Long Phụng cho biết, bản thân rất “mệt mỏi” trên hành trình vào sân bay. Không phải quảng đường xa (chưa tới 10 km) mà do di chuyển khó khăn và chờ đợi làm thủ tục quá dài. Nếu không đi sớm thì sợ kẹt xe, trễ chuyến bay.
Thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác các công trọng điểm nhằm tháo gỡ ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; cầu vượt thép Ngã 6 Gò Vấp; cầu thép nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm; cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám…
Tuy nhiên, áp lực giao thông khu vực quanh sân bay hiện đã tăng lên rất cao. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sân bay chỉ có một lối ra vào duy nhất, tập trung một lượng lớn người và phương tiện giao thông trên đường Trường Sơn. Nhiều tuyến đường xung quanh sân bay chưa được đầu tư đúng quy hoạch nhưng có lượng xe khá lớn.
Tình hình ùn ứ giao thông tại các tuyến đường quanh khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Tp. Hồ Chí Minh) xảy ra thường xuyên và rất nghiêm trọng. Lượng xe ô tô nối đuôi nhau, kéo dài ở các lối vào và lối ra sân bay Tân Sơn Nhất như trên các tuyến đường Trường Sơn, Bạch Đằng, Hồng Hà, Phan Đình Giót, Trần Quốc Hoàn... Nhiều lần, hành khách sợ trễ chuyến bay phải xách vali đi bộ len lỏi giữa hàng dài xe ô tô để vào sân bay.
Theo ghi nhận, hiện nay khu vực bên trong sân bay Tân Sơn Nhất quá chật hẹp, không đủ chỗ cho các xe taxi, xe buýt và xe công nghệ dừng chờ khách. Điều này khiến nhiều xe chạy vòng, dừng đậu các tuyến đường lân cận bên ngoài sân bay, phần nào ảnh hưởng đến giao thông khu vực.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh), Sở đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ điều tiết, phân luồng giao thông, gắn biển báo, tín hiệu đèn và thực hiện tổ phản ứng nhanh giúp cải thiện phần nào tình hình giao thông khu vực sân bay. Tuy nhiên, Sở cũng đề xuất các đơn vị liên quan nghiên cứu, làm sao tách làn vào và làn ra ở sân bay để tránh giao cắt gây ùn ứ giao thông.
Hành khách tăng cao so với dự báo và thiết kế khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng. Các tuyến đường xung quanh sân bay cũng luôn trong tình trạng ùn tắc “rình rập”. Áp lực giao thông ở khu vực này sẽ tăng cao hơn khi nhà ga T3 hoàn thành, nâng năng suất khai thác của sân bay mỗi năm lên 50 triệu lượt khách/ năm. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải triển khai các phương án cả tạm thời lẫn lâu dài.
Bài cuối: Linh hoạt nhiều giải pháp