Việc sửa đổi luật nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng vẫn phải tạo "lực đẩy và lực kéo" để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Sửa đổi Luật để phù hợp với hiệp định tự do thế hệ mới
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm phù hợp với các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Điều quan trọng nhất trong sửa đổi luật phải chú ý đến việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng vẫn phải tạo "lực đẩy và lực kéo" để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Chia sẻ về định hướng sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng hoạt động, nhiệm vụ năm 2022, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 38-2017/NQ-CP ngày 25/4/2017 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Đồng thời, qua thực tế 14-15 năm triển khai thực hiện thực hiện 2 Luật đã phát sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vì vậy cần phải thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đặc biệt là các FTA (EVFTA, CPTPP, RCEP…), tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng, đánh giá sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Hiện nay, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có quy định hoạt động đánh giá sự phù hợp, công nhận, thừa nhận lẫn nhau và việc phân công trách nhiệm giữa các bộ quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, quy định về đánh giá sự phù hợp trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật vẫn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, bên cạnh đó, theo tiêu chuẩn ISO 17029 hoạt động đánh giá sự phù hợp còn mở rộng thêm sang hoạt động kiểm tra xác nhận và xác nhận giá trị sử dụng, điều này cần phải nghiên cứu để định nghĩa đánh giá sự phù hợp phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động công nhận cần xem xét mở rộng cho các chương trình công nhận mới như chương trình công nhận thử nghiệm thành thạo, chương trình công nhận đối với tổ chức chất chuẩn… Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, dấu công bố hợp chuẩn, hợp quy được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành theo tiêu chuẩn ISO 17030, trong đó quy định dấu chứng nhận của Tổ chức chứng nhận quy định về công nghệ Blockchain, QR code… điều này, trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng cần thích ứng không chỉ đơn thuần in, dán hay gắn dấu hợp quy.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, đối với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành trong đó có danh mục hàng hóa nhóm 2, điều này cần đưa vào từ luật. Về cơ chế kiểm tra hàng nhập khẩu, trong đó làm rõ cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm; quy trình kiểm tra hàng nhập khẩu cũng như việc thừa nhận kết quả đánh giá; về phân công trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa phải được làm rõ theo hướng sản phẩm phải do một bộ, ngành quản lý không thể để tình trạng một sản phẩm do nhiều bộ, ngành quản lý như thời gian vừa qua; về quy định mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc cần rà soát phù hợp theo thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo "lực đẩy và lực kéo" phát triển
Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng yêu cầu xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất, kế thừa các hệ thống điện tử công nghệ thông tin đã được đầu tư; tập trung, ưu tiên nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế... Đối với các chương trình, đề án quốc gia như Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng, Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, Đề án 996 về bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo… cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn, bảo đảm huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện. Đặc biệt, các chương trình, đề án đều phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, bảo đảm tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo...) theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực bảo đảm phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đặc biệt là tập trung xây dựng đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cũng như giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tập trung nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong tình hình mới, tạo môi trường thông thoáng cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu, xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; thúc đẩy hoạt động đo lường quốc gia; tạo dựng khung pháp lý quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nhằm tiếp tục ứng phó với dịch COVID-19, năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, áp dụng, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Đông thời, thực hiện có hiệu quả Cơ chế một cửa, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN để hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký ký, tăng cường kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực phục vụ hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.