Tuy nhiên cũng cần thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, các chính sách cho người dân.
Theo Bộ Tài chính, việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương đã thực hiện nhiều năm nay vẫn phải triển khai theo quy định; đồng thời tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán. Trong đó, trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi có tính chất lương, các khoản chi cho con người theo chế độ và các khoản chi đặc thù không thể cắt giảm như đóng niên liễm, chi theo các hợp đồng cung ứng hàng hoá, dịch vụ đã ký kết từ trước và tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, muốn giảm chi thường xuyên, phải giảm được cơ cấu tổ chức bộ máy, giảm biên chế. Hiện, bộ máy hành chính vẫn rất cồng kềnh khiến nguồn ngân sách chi thường xuyên dành cho bộ máy, con người rất lớn, hạn chế nguồn ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển, chi cho cải cách tiền lương, an sinh xã hội…Trước thực tế đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh tinh giản biên chế, nhằm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương hiện đang quyết liệt thực hiện việc tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Việc kiểm soát tốt giao dự toán chi thường xuyên của các đơn vị gắn với tinh giản biên chế là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm chi thường xuyên - lĩnh vực chiếm phần rất lớn từ ngân sách hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các gói tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý thu thuộc Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN và triệt để tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn cho đầu tư phát triển, cho an sinh xã hội. Trong điều hành chi NSNN, tiếp tục đẩy mạnh mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục để tiến tới cơ cấu lại NSNN nói chung.
“Một trong những giải pháp cơ bản nhất để cơ cấu lại NSNN, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đó chính là tinh giản biên chế, sắp xếp, cắt giảm bộ máy. Thời gian qua chúng ta đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ nhưng cần thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh đổi mới giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương; từ đó, giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, có nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển và các mục tiêu ưu tiên khác, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19”, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết.