Tiếp sinh khí cho doanh nghiệp vượt khó

Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước- NHNN), mức lãi suất cho vay hiện giảm về mức 11- 12% là hợp lý nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các chính sách về thuế, tiêu thụ hàng hóa… cũng được khơi thông giúp DN vượt khó, tăng trưởng.


Lãi suất giảm liên tục


Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: Để có mặt bằng lãi suất như hiện nay, từ giữa năm 2011 đến nay, NHNN đã và đang điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ lãi suất nhằm giảm mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mức giảm của lạm phát, qua đó tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Khách hàng doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại VietinBank Chi nhánh Đống Đa (Hà Nội). Ảnh:Trần Việt – TTXVN


“Vào nửa cuối năm 2011, trước tình hình lạm phát tăng cao, áp lực thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) lớn nhưng NHNN vẫn giữ nguyên mức trần lãi suất huy động 14%/năm và tập trung thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm lãi suất, từ đó giảm áp lực tăng lãi suất huy động. Sang năm 2012, để định hướng thị trường, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra lộ trình giảm lãi suất trung bình mỗi quý 1%/năm", bà Nguyễn Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói. Chỉ trong năm 2012, sau 5 lần điều chỉnh, trần lãi suất huy động tối đa bằng VND đã giảm tổng cộng 6%/năm.


Trong 9 tháng của năm 2013, trên cơ sở đánh giá diễn biến của lạm phát, sự ổn định của thị trường ngoại hối và tỷ giá, NHNN nhận thấy dư địa giảm trần lãi suất huy động bằng VND không còn nhiều, vì vậy mức trần lãi suất huy động các kỳ hạn chỉ giảm khoảng 1%/năm (trần lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng giảm từ mức 8%/năm cuối 2012 xuống 7,5%/năm vào cuối tháng 3/2013, từ cuối tháng 6/2013 chỉ quy định trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 7%/năm).


Việc giảm lãi suất huy động tạo điều kiện cho các TCTD giảm mạnh lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn đối với các DN. Đến nay mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 9-12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, thấp hơn năm 2007.


Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, mức lãi suất cho vay còn 11- 12%/năm hiện nay là hợp lý. Trong thời gian qua, hàng loạt các ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ rất tích cực cho DN. Đơn cử mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 0%/năm cho tháng đầu tiên, cố định 11,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo đối với khoản vay từ 500 triệu đồng trở lên; lãi suất 0%/năm cho tháng đầu tiên, cố định 12,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo đối với khoản vay từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, một DN chuyên nhập khẩu thiết bị, linh kiện cho hàng công nghiệp cho biết: Việc sử dụng vốn vay trong bối cảnh hiện nay buộc công ty phải tính toán kỹ, vì áp lực chi phí lãi vay vẫn lớn. Thế nhưng, khi DN đang thiếu vốn thì việc một số ngân hàng tung ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, đặc biệt là 0% cho tháng đầu đã giúp DN tiếp cận và nguồn vốn giá rẻ này để nhập hàng, tăng doanh thu.


Khơi thông đầu ra, giảm thuế đất


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ quý II/2013, số lượng DN thành lập mới tăng nhanh, trong khi số DN gặp khó phải giải thể hoặc ngừng hoạt động đang giảm dần. Cụ thể, trong 8 tháng của năm 2013, cả nước có hơn 52.000 DN thành lập mới và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, số DN thành lập mới đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với 6 tháng cuối năm 2012 thì số DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay tăng 15,5%...


Kết quả này có được là do sự “hấp thụ” của nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và lối thoát cho các DN hiện nay là giải phóng hàng tồn kho, đặc biệt là bất động sản và sưởi ấm sức cầu”, ông Lê Quốc Phương- Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công thương) nói.


Theo ông Phương, hiện nay mặc dù tình hình kinh doanh của DN có khá hơn: Tốc độ phá sản của DN đã chậm lại; số DN thành lập mới có tăng nhưng nhìn chung vốn đăng ký còn thấp. Lãi suất thời gian qua có giảm nhưng sự phục hồi của nền kinh tế chưa có gì đột phá nên hàng hóa tiêu thụ vẫn chậm. “Tuy nhiên, hạ lãi suất cũng phải ở mức độ phù hợp vì nếu thấp quá và DN ồ ạt vay đầu tư không hiệu quả, hàng hóa không bán được sẽ lại gây ra nợ xấu”, ông Phương chia sẻ.


Còn ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa nói: “Thực chất lãi suất thấp hiện nay không còn là yếu tố quyết định chủ yếu đối với DN nữa vì DN vẫn đang đối mặt với khó khăn là khả năng sinh lời rất thấp, chi phí cao, sức mua còn thấp. Tuy lãi suất đã giảm mạnh nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao, chiếm trong cơ cấu chi phí của DN còn nhiều”. Theo ông Kiêm, để tự cứu mình, DN hiện phải rà soát, tìm tòi mặt hàng kinh doanh nào sao cho hiệu quả; tái cơ cấu lại bộ máy để tạo tính chủ động, linh hoạt, nâng cao hiệu quả kinh doanh.


Mới đây, một số DN ở Hà Nội cũng chia sẻ: Hiện nay, tiền thuê đất cho sản xuất kinh doanh quá cao, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, hạn chế năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Nhiều DN phải trả tiền thuê đất tăng từ 5 - 10 lần so với trước. Do đó, các doanh nghiệp đã đề nghị UBND Thành phố, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 trên cơ sở giảm giá tỷ lệ % giá thuê đất và giá đất được xác định theo hướng ổn định trong một thời kỳ sản xuất kinh doanh để giảm bớt khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN