Rào cản không nhỏ
Cơ hội không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà có sự cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia có điều kiện tương tự khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như Mỹ Latin. Trong khi đó, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam còn nhiều thách thức phải đối mặt.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nêu vấn đề, lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng được dự báo sẽ mở đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư do việc di chuyển nhà máy dễ dàng hơn các ngành chế biến, chế tạo. Việt Nam cũng đang có lợi thế, kinh nghiệm trong các ngành da giày, dệt may nhưng điểm yếu là hạn chế về nguồn cung nguyên liệu. Hiện khoảng 60 - 70% nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đó chính là lý do mà hai ngành này gặp khó khăn đầu tiên khi dịch COVID-19 bùng phát bởi nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn.
Tương tự, với ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ cung ứng linh kiện nội địa được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đối với nguyên liệu chế biến lương thực thực phẩm, sản lượng nông sản của Việt Nam không ngừng tăng lên nhưng về cơ bản vẫn chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung đủ sức cung ứng cho nhà máy chế biến quy mô lớn. Mặc dù cải cách về thể chế, thủ tục hành chính đã đạt được bước tiến dài trong nhưng vẫn chưa đủ làm hài lòng đối cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.
Nhận định về môi trường đầu tư kinh doanh, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, yếu tố quan trọng đầu tiên trong thu hút đầu tư là thủ tục hành chính phải nhanh, rõ ràng, minh bạch. Hiện vẫn có những giấy phép xây dựng bị “ngâm” đến 2 năm khiến nhà đầu đầu tư tốn rất nhiều chi phí phát sinh. Những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế như hiện nay chưa đủ khi Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trong khu vực.
Trong bối cảnh hiện nay, giá thuê đất rẻ không quan trọng bằng cung cấp “đất sạch” có đầy đủ pháp lý, hạ tầng để doanh nghiệp đặt nhà máy ngay. Giá thuê đất tại Singapore không thể cạnh tranh với giá đất tại Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực nhưng quốc gia này có thể cấp giấy phép xây dựng trong vòng 1 ngày nên vẫn thu hút đầu tư rất tốt - ông Lương Văn Tự dẫn chứng.
Khi làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng diễn ra thì hạ tầng các khu công nghiệp và logistics đóng vai trò rất quan trọng. Ông Trần Chí Dũng - Trưởng ban cố vấn chuyên môn Trường Hàng không và Logistics Việt Nam nêu hiện trạng, hầu hết các khu công nghiệp Việt Nam đang phát triển theo cách truyền thống là xin giấy phép, san lấp mặt bằng và chào bán như kiểu phân lô bán đất nền nên tỷ lệ lấp đầy không cao. Trong khi rất nhiều nhà đầu tư không thể tìm được mặt bằng đủ lớn, đảm bảo tiện ích đi kèm để có thể xây dựng nhà máy ngay. Nói cách khác, khả năng kết nối giữa nhà đầu tư với nhà cung ứng hạ tầng tại Việt Nam đang rất yếu.
Nếu hạ tầng công nghiệp là nền móng thì hạ tầng logistics chính là huyết mạch của ngành sản xuất, duy trì vòng tuần hoàn đưa nguyên liệu đến nhà máy và đưa sản phẩm từ nơi sản xuất ra thị trường. Tuy nhiên, quy hoạch về logistics của Việt Nam chưa được triển khai một cách đồng bộ và thiếu kết nối về mặt thông tin, dẫn đến tình trạng ách tắc ở nhiều khu vực khiến chi phí logistics cao hơn nhiều nước khác. Việt Nam cần giải tỏa nhanh vẫn đề này nếu muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án quy mô lớn - ông Trần Chí Dũng nhận xét.
Chọn lọc, thu hút đầu tư chất lượng cao
Ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh, cơ hội càng lớn thì các điều kiện đi kèm cũng khắt khe hơn. Việt Nam có lợi thế nhân lực dồi dào nhưng chất lượng chư đạt được như kỳ vọng. Trong khi đó, việc hấp thụ được công nghệ mới chuyển giao từ nước ngoài hay tham gia vào các ngành kinh tế có hàm lượng khoa học cao đều phải thông qua con người. Do đó, Chính phủ, ngành Giáo dục và cả doanh nghiệp đều phải có kế hoạch, chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực, không chỉ nâng cao tay nghề công nhân mà phải nâng cấp năng lực cho cả đội ngũ quản lý và người đứng đầu doanh nghiệp.
Để thu hút đầu tư, đặc biệt là vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, Việt Nam phải thực hiện tốt việc cung ứng các hạ tầng đất đai, vận tải và dịch vụ hỗ trợ cho nhà đầu tư. Theo đó, những người xây dựng quy hoạch, người đầu tư hạ tầng, người thiết kế dự án và người tìm kiến hạ tầng sản xuất kinh doanh phải cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin về nhu cầu của nhau mới có thể triển khai các dự án nhanh chóng và tránh lãng phí nguồn lực, thời gian.
Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đều khẳng định, thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Tuy nhiên việc tiếp nhận đầu tư cần được chọn lọc để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất và hạn chế các hệ lụy lâu dài.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, quan điểm của Chính phủ là chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, theo đó Việt Nam sẽ ưu tiên những dự án lớn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và thân thiện, an toàn với môi trường, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng.
Thu hút đầu tư nước ngoài phải gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước, liên kết xây dựng thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ. Nếu chỉ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài mà không phát triển doanh nghiệp trong nước thì dễ dẫn đến nguy cơ nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI, khi điều kiện đầu tư thay đổi họ rút đi chúng ta mất nguồn lực để phát triển.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện các quốc gia không còn cạnh tranh về hàng hóa giá rẻ mà đang trên đường đua khoa học công nghệ thì Việt Nam không thể chọn những nhà đầu tư đến với mục đích thâm dụng lao động, đất đai và tài nguyên… Ông Trần Việt Tiến - Trưởng ban Truyền thông Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nên chọn những doanh nghiệp mang đến công nghệ mới và sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để đồng hành xây dựng chuỗi liên kết. Điều đó quan trọng hơn số vốn đầu tư.
Với những ngành nghề Việt Nam đang có lợi thế về sản xuất như ngành gỗ, cần ưu tiên nhà đầu tư có thế mạnh về thương mại và sáng tạo, thiết kế sản phẩm để tạo nên chuỗi giá trị hoàn thiện. Tương tự, với ngành dệt may, nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nâng cao khả năng cung ứng nguyên phụ liệu và phát triển các giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trong khi đó, điều kiện đi kèm cho các nhà đầu tư chế biến, chế tạo là phải tham gia phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ, ưu tiên sử dụng linh kiện, phụ kiện sản xuất tại Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để thu hút đầu tư nước ngoài hỗ trợ hiệu quả cho phát triển doanh nghiệp trong nước, hợp tác liên kết thành chuỗi cung ứng thì bản thân các doanh nghiệp nội cũng phải cố gắng đổi mới phương thức hoạt động, công nghệ sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài.
Ngược lại trong quá trình phê duyệt đầu tư, Nhà nước cần tác động với doanh nghiệp nước ngoài trong liên kết, sử dụng sản phẩm nội địa cũng như hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ. Như vậy, mới phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong việc tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững.