Từ đó, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng, nguồn cung cho sản xuất trong nước cũng như khai thông thị trường, bảo đảm sản xuất của các doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5.
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho phát triển thị trường nhằm bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước và đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trọng tâm quan trọng là phải rà soát, đánh giá và bám sát thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực đặc thù để xác định rõ thách thức, áp lực, yêu cầu nhằm tiếp tục tồn tại vượt qua khó khăn. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các Bộ, ngành và các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để rà soát đánh giá thực trạng, cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ và các chính sách, cơ chế của Chính phủ để đánh giá mức độ, yêu cầu và hiệu quả của điều hành Chính phủ trong thời gian tới.
Tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường cũng như hoạt động đầu tư sản xuất. Đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến sẽ tiếp tục được đưa lên cấp độ 3 và cấp độ 4 ngay trong năm 2020.
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong giai đoạn sau của Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục được thực hiện ngay trong năm 2020 và Chính phủ điện tử, cấp C/O điện tử cũng như các thủ tục khác để hỗ trợ, minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ ngay.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, coi đây là nền tảng quan trọng để tạo thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế năm 2020. Theo đó, có 4 nhiệm vụ cần triển khai gồm: khơi thông thị trường thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại.
Mặt khác, Bộ rà soát cùng địa phương tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thương mại, tạo kích cầu lớn hơn, tạo động lực lớn hơn cho tăng trưởng phục vụ phát triển thị trường trong nước. Ngoài ra, Bộ cũng tích cực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn nữa bằng việc tập trung quyết liệt cho những địa bàn, mặt hàng đang là điểm nóng.
Về điểm này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, rất cần địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và Bộ Công Thương để có những biện pháp và cơ chế đấu tranh hữu hiệu hơn nữa với hệ thống buôn lậu đang rất tinh vi và ngày càng xảo quyệt, phức tạp.
Cuối cùng là phát triển thông qua gói kích cầu tập trung cho một số ngành hàng có nhu cầu và tiềm năng phát triển, đặc biệt gắn với đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các Hiệp hội ngành hàng xây dựng các gói chính sách để báo cáo Thủ tướng.
Thị trường ngoài nước cũng được đặc biệt quan tâm trọng điểm trong nửa cuối năm 2020, như là một điểm nhấn tạo nên sức bật cho kinh tế của Việt Nam và cho thương mại; trong đó, có thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN… sẽ là những thị trường trọng điểm cần có những khung khổ tổng thể để phát triển nửa cuối năm 2020.
Hiện, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các Đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi COVID-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới. Do vậy, Việt Nam sẽ chủ động triển khai với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiệm vụ này sẽ tập trung 4 nội dung gồm mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; gắn kết với chuỗi cung ứng thị trường ngoài nước; các hoạt động phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong các vụ kiện tranh chấp cũng như phát triển bền vững tại thị trường này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, nội dung tái cơ cấu chuỗi cung ứng là cơ hội đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Bởi, theo Bộ trưởng, thông qua các khung khổ hợp tác quốc tế cũng như những nội dung lớn, chủ trương lớn điều hành của Đảng, Chính phủ, Việt Nam sẽ tập trung khai thác các Hiệp định Thương mại tự do, các khung khổ hợp tác để xây dựng các chuỗi cung ứng mới thông qua các hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư, liên kết đầu tư với các đối tác lớn trong hàng loạt các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo. Từ đó, tạo ra vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng này.
Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến hoàn tất và ký kết cuối năm nay để tiếp tục hoàn thiện các khung khổ hợp tác với các chuỗi cung ứng này, với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện các khung khổ chính sách thúc đẩy các cơ chế liên kết trong chuỗi cung ứng và tạo ra chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ… Tất cả những nội dung này sẽ tạo nền tảng để có chính sách và cơ chế cụ thể thực hiện các chuỗi cung ứng.