Tiền thu được từ bán vốn sẽ được chi đúng mục đích

Việc Chính phủ cho phép Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn toàn bộ tại 10 doanh nghiệp (DN), trong đó có những công ty được ví là “đẻ trứng vàng” như: Vinamilk, FPT đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Vậy số tiền này được sử dụng thế nào?


Theo ước tính của một số chuyên gia kinh tế, 45,1% vốn nhà nước mà SCIC đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần sữa (CTCP) Việt Nam - Vinamilk có giá thị trường khoảng 55.200 tỷ đồng (tương đương 2,46 tỷ USD). Ngoài Vinamilk, 9 DN còn lại nằm trong danh sách SCIC thoái vốn là: Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), Tổng CTCP tái bảo hiểm quốc gia (VNR), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP hạ tầng và bất động sản Việt Nam, CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), CTCP FPT (FPT) và CTCP FPT Telecom.

Tiền thu hồi sau thoái vốn sẽ được sử dụng tái đầu tư cho nền kinh tế. Ảnh minh họa: Dây chuyền sản xuất của Vinamilk


Ngoại trừ CTCP hạ tầng và bất động sản Việt Nam và CTCP FPT Telecom chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên không xác định được giá cổ phiếu, các DN còn lại, giá cổ phiếu khá cao nên nếu thoái vốn thành công, số tiền thu không hề nhỏ.

Theo ông Lê Mạnh Hà - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, việc thoái vốn là chủ động, có chủ trương, có danh mục và lộ trình thực hiện, chứ không phải do ngân sách khó khăn. Tiền thu được từ bán vốn, cổ phần hóa sẽ được cho vào quỹ chung và chi có mục đích. “Không có chuyện ngân sách lấy tiền từ quỹ này để chi thường xuyên”, ông Hà nói.


Đai diện Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho rằng: 10 DN trên là các DN được bổ sung vào danh sách thoái vốn theo theo Quyết định 37 (Quyết định 37 ngày 18/6/2014 của Thủ tướng ban hành tiêu chí, danh mục những ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ vốn). Các đơn vị sẽ căn cứ vào tiêu chí nêu trong quyết định để bổ sung, điều chỉnh phương án sắp xếp và trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo Bộ Tài chính, số tiền bán vốn thu về đã được dự tính đưa vào dự toán đầu tư cho an sinh xã hội mà cụ thể là xây bệnh viện. “Khi các DN đã làm tốt và là lĩnh vực có nhiều đơn vị tham gia thì nên thu vốn về để đầu tư vào những việc khác Nhà nước cần phải nắm giữ như an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hạ tầng cơ sở. SCIC là đơn vị thay mặt Nhà nước đi đầu tư, đơn vị này sẽ có trách nhiệm lên kế hoạch sử dụng vốn tập trung nguồn lực lại để đầu tư vào những lĩnh vực mà Chính phủ quy định”, ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nói.


Trả lời câu hỏi về lộ trình thoái vốn,phía SCIC cho hay: Đơn vị này chưa quyết định thời điểm cụ thể để rút vốn khỏi các doanh nghiệp. Việc quyết định xem lúc nào lập phương án cụ thể trình Thủ tướng để bán vốn của các doanh nghiệp A hay doanh nghiệp B hiện chưa chốt. Trong khi đó vào cuối năm, thị trường chứng khoán thường biến động lớn và cũng phải tính đến tác động từ việc nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, nhất là danh mục 10 doanh nghiệp này đa phần sẽ được nới room.


Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản yếu cầu SCIC thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp. Tính theo thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vốn hóa thị trường của những doanh nghiệp này khoảng 7 tỷ USD, riêng phần SCIC đang sở hữu có giá trị khoảng gần 3 tỷ USD. Lộ trình và phương thức thoái vốn sẽ do SCIC lựa chọn để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định nhằm đạt lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Theo kế hoạch, nguồn tiền thu được từ bán vốn sẽ được dùng cho chi đầu tư phát triển trong bối cảnh nguồn thu năm 2015 - 2016 gặp khó khăn.

Minh Phương
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN