Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Đồng hành với Chính phủ trong hành trình đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều hành động thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực, các phân ngành của nền kinh tế.
Đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp trong hành trình này, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững năm 2024, với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”.
Hội thảo diễn ra với phiên mở đầu hai phiên thảo luận. Trong đó, phiên thứ hai "Dẫn đầu xu thế/ Taking the Lead", với sự góp mặt của các diễn giả: Ông Craig Richard Bradshaw, Tổng Giám đốc Công ty Masan High-Tech Materials; bà Tống Diệu Linh, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị chiến lược Nguồn nhân lực, Truyền thông Đối ngoại và Phát triển bền vững, AEON Việt Nam; bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về Phát triển Bền vững, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang; bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam.
Các diễn giả tập trung thảo luận về các nội dung: Câu chuyện và kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp tiên phong, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, và thực thi các sáng kiến xanh, bền vững; Những lĩnh vưc/ ngành nghề/ bộ phận trong doanh nghiệp được ưu tiên đầu tư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi kép; Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp tối ưu hóa nguồn lực sẵn có, tiết giảm chi phí tối đa của doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi kép nhằm lan tỏa giá trị trong cộng đồng; Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh hiệu quả; Từ kinh nghiệm thực tiễn của mỗi doanh nghiệp đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp khác cùng vượt khó; Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn với cơ quan quản lý về cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về Phát triển Bền vững, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, cho biết: " Phuc Khang Corporation (PKC) đã qua nhiều năm thực hành CSR, có nhiều hoạt động vì cộng đồng và môi trường, thêm vào đó PKC luôn thay đổi để hoàn thiện hơn bộ máy quản trị của doanh nghiệp. Tất cả các chiến lược CSR qua các năm giúp PKC thiết lập mối quan hệ vững vàng và đáng tin cậy với các đối tác, cộng đồng.
Trong quá trình nghiên cứu và thiết lập chiến lược ESG, PKC nhận thấy các hoạt động CSR của công ty vốn đã phần nào phù hợp với các chỉ số ESG. Qua đó, khi đưa ra các chiến lược ESG, các hoat động cụ thể được phân định rõ nhắm đến các mục tiêu lớn về môi trường, xã hội và quản trị. ESG cũng giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro và cơ hội về ba khía cạnh này.
Trong hành trình tiến tới phát triển bền vững của PKC, từ kiến tạo công trình xanh đến cộng đồng xanh và tương lai xanh, thực hành CSR đang chuyển dịch sang ESG. Các hoạt động CSR vốn có là nền tảng vững chắc cho thực hành ESG của PKC về sau và là một bước đi đúng đắn theo thời cuộc. Đặc biệt, đối với chiến lược ESG, PKC luôn theo sát và cam kết hành động dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, đối với mỗi chỉ số Môi trường, Xã hội và Quản trị sẽ đạt được các mục tiêu khác nhau, và hỗ trợ một số mục tiêu liên quan khác không chỉ là nỗ lực của doanh nghiệp mà còn là hành trình vì một tương lai chung của cộng đồng.
Từ nửa đầu năm 2023, dựa trên khung chiến lược ESG của Liên Hiệp quốc, các hoạt động cụ thể về từng khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị đã được triển khai tại PKC.
Về môi trường, nổi bật như áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh, tổ chức chuỗi chương trình “Green Study” cho toàn bộ đội ngũ PKC cũng như cho cộng đồng, liên kết với các cơ quan ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm, hiệp hội… tổ chức các chương trình, hội thảo về công trình xanh, phát triển bền vững & tham quan các dự án xanh thực chứng, đảm bảo chất lượng sản phẩm bất động sản theo định hướng công trình xanh.
Về xã hội, các hoạt động tuân thủ chế độ lương, thưởng, bảo hiểm bắt buộc, chương trình khám sức khỏe tổng quát cho toàn bộ CBNV, chứng nhận đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc sử dụng bộ công cụ GEARS, duy trì chương trình đào tạo nội bộ về các kỹ năng sống và làm việc, đồng hành và trao học bổng thông qua các quỹ & trường đại học.
Về quản trị, các hoạt động điển hình như tiếp tục triển khai dự án chuyển đổi số toàn diện E-Office, tổ chức các khóa Tập huấn đặc biệt cho đội ngũ quản lý, hoàn hiện các chính sách của doanh nghiệp, quy trình làm việc với các bên liên quan…
Thông qua quá trình “Tri thức hóa sản phẩm”, PKC khẳng định trách nhiệm trong việc cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội. Đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và chiến lược phát triển bền vững của đất nước".
Còn bà Lê Minh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), chia sẻ: "Việc áp dụng chiến lược sản xuất xanh đã mang lại cho các doanh nghiệp những lợi ích kinh doanh đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề tiêu dùng bền vững. Theo nghiên cứu NIQ, không chỉ tại Việt Nam, mà trên nhiều quốc gia khác nhau, 42% người tiêu dùng tại khu vực APAC cho rằng việc các doanh nghiệp chủ động giảm thiểu tác động môi trường là "rất quan trọng," và 34% đánh giá đây là một yếu tố "quan trọng." Điều này cho thấy doanh nghiệp cam kết sản xuất xanh không chỉ ghi nhận sự gia tăng lòng trung thành từ khách hàng, mà còn được ủng hộ mạnh mẽ nhờ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh giúp doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn nhờ tối ưu hóa nguồn năng lượng, nguyên liệu, và giảm lãng phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn hưởng lợi từ việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cuối cùng, việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế và quốc gia mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và hợp tác kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.
Theo báo cáo Sustainability Report từ NIQ, doanh nghiệp trong tương lai sẽ phải đối mặt với những thay đổi quan trọng và áp lực lớn hơn từ phía người tiêu dùng cũng như các quy định liên quan đến môi trường. Một trong những yếu tố đầu tiên mà doanh nghiệp cần chú trọng là quy trình đánh giá và hành động vì môi trường. Để đạt được cam kết bền vững một cách trung thực, doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá mức độ ảnh hưởng tới “dấu chân môi trường”, bao gồm lượng khí thải carbon, sử dụng năng lượng, và các tác động khác lên hệ sinh thái. Điều này thường đòi hỏi sự can thiệp của các chuyên gia hoặc sự hợp tác với các bên thứ ba, nhằm phát hiện ra những lỗ hổng và yếu tố cần cải thiện. Doanh nghiệp không chỉ cần tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn phải cải tiến chuỗi cung ứng, từ nguồn nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm, để đảm bảo họ đang hoạt động theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường.
Một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển xanh là bao bì thay thế. Việc giảm thiểu sử dụng nhựa và các vật liệu khó phân hủy là một ưu tiên hàng đầu. Các giải pháp bao bì thân thiện với môi trường như sử dụng chất liệu tái chế, bao bì phân hủy sinh học, hoặc giảm thiểu kích thước và khối lượng bao bì sẽ giúp giảm thiểu lượng rác thải và nâng cao hiệu quả vận chuyển. Đây không chỉ là một bước đi chiến lược về môi trường mà còn là một yêu cầu bắt buộc từ phía người tiêu dùng và các cơ quan quản lý.
Xu hướng sử dụng nông nghiệp tái sinh và nguyên liệu thay thế sẽ trở nên phổ biến hơn, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Nông nghiệp tái sinh, với các phương pháp canh tác bền vững, giúp bảo vệ đất, nước và tài nguyên thiên nhiên, trong khi các nguyên liệu thay thế như protein thực vật, vật liệu sinh học sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo.
Tóm lại, các xu hướng tiêu dùng xanh đang tạo ra một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi và thích nghi. Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, đến việc sử dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp không chỉ phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý mà còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng về một tương lai bền vững. Điều này mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh, đồng thời giúp họ duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường. Thị trường tiêu dùng xanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ đến năm 2030 và xa hơn, với những giải pháp bền vững và công nghệ tiên tiến ngày càng chiếm lĩnh xu hướng toàn cầu".
Về phần mình, ông Craig Richard Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials, cho biết: "Các sản phẩm của Masan High-Tech Materials không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp xanh mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi xanh (cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp pin điện …) và sản xuất bền vững. Qua đó, công ty xây dựng một hệ sinh thái năng lượng sạch, giúp bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại MHT, phát triển bền vững được thể hiện qua nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường bằng những sáng kiến thiết thực và lâu dài. Công ty áp dụng mô hình 3Rs “Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế” vào mọi hoạt động sản xuất và vận hành, không ngừng cải tiến để hướng tới mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải và tối ưu hóa tài nguyên. Từ việc tuần hoàn nước thải đến việc tối ưu hóa năng lượng và triển khai các sáng kiến về trung hòa các bon, MHT cam kết kiến tạo một môi trường sản xuất thân thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh toàn cầu và đóng góp tích cực vào sự bền vững của hệ sinh thái địa phương.
Công ty thực hiện phân loại rác thải trong quá trình hoạt động để tái chế thành các dòng sản phẩm mới, với tỉ lệ tái chế đạt hơn 30% trên tổng khối lượng rác thải phát sinh.
Trong năm 2023, 7,8 triệu m³ nước thải được tuần hoàn tái sử dụng, phục vụ cho sản xuất, chiếm 76,1% tổng lượng nước sử dụng tại Việt Nam. Tỷ lệ tái chế chất thải tại nhà máy MTC (Việt Nam) đạt hơn 80%.
Không chỉ thực hiện “Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế”, Công ty còn tiên phong thực thi các sáng kiến trung hòa các bon, giảm thiểu phát thải và tối ưu hóa nguồn tài nguyên: Thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tính toán lượng phát thải, triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng trên toàn công ty với 9 dự án vượt mục tiêu. Trong đó, nhà máy tại Việt Nam ước tính giảm hơn 14.409 GJ lượng tiêu thụ điện, tương đương 973.4 tấn CO2eq. Thông qua các chương trình phục hồi cải tạo môi trường, Công ty đã trồng hơn 2.000 cây xanh tại các khu vực của bãi thải đất đá, với 63,9ha diện tích được cải tạo phục hồi và phủ xanh. Tích cực theo dõi khung pháp lý để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị Chiến lược Nguồn nhân lực, Truyền thông Đối ngoại và Phát triển bền vững, AEON Việt Nam, cho biết: "Chiến lược xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của AEON Việt Nam dựa trên các trọng tâm: nâng cao năng lực về phát triển bền vững, chính sách tuyển dụng - giữ chân nhân tài và xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển phát triển bền vững.
Với quy mô gần 6.000 nhân viên hiện tại, AEON đã và đang triển khai các chương trình đào tạo thường xuyên để đảm bảo những triết lý bền vững sẽ lan tỏa rộng rãi đến toàn thể đội ngũ nhân viên. Hàng năm, AEON đều tổ chức các khóa tập huấn về triết lý kinh doanh và cam kết quy tắc đạo đức cho toàn bộ nhân viên.
Với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn về phát triển bền vững cho đội ngũ quản lý, AEON đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu hợp tác cùng các đối tác bên ngoài. Nội dung các khóa học xoay quanh những vấn đề cấp thiết liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty và gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, để củng cố nền tảng về triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi, Công ty triển khai các chương trình đào tạo nội bộ, nhằm xây dựng một đội ngũ nhân viên có chung tầm nhìn và sứ mệnh. Để tạo cơ hội cho nhân viên đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, Công ty khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động đa dạng, như thúc đẩy phát triển bền vững từ chuyên môn của mình, tổ chức các hoạt động cộng đồng, cùng gia đình và bạn bè tham gia các sự kiện do Công ty tổ chức.
Rất nhiều sáng kiến do nhân viên AEON Việt Nam khởi xướng đã được thực hành rộng rãi và nhận được tín hiệu tích cực như: Sáng kiến chuyển đổi từ thẻ nhựa sang app của Phòng Marketing, sáng kiến số hóa quy trình nhân sự của Bộ phận Nhân sự, sáng kiến xây dựng không gian văn phòng xanh hay số hóa dịch vụ mua hàng thông qua nền tảng thương mại điện tử AEONESHOP và Kiosk chọn món tự động , giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Hàng tháng, toàn bộ nhân viên được chia sẻ và cập nhật thông tin minh bạch về tình hình kinh doanh và chiến lược mở rộng của Công ty, để tăng cường niềm tin và sự an tâm của đội ngũ nhân viên với doanh nghiệp. Trong chính sách tuyển dụng và giữ chân nhân tài, Công ty cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn thông qua các chính sách phúc lợi hấp dẫn.
Với đội ngũ lớn, AEON Việt Nam lựa chọn văn hóa khai vấn như một phần quan trọng trong chiến lược xây dựng văn hóa tại nơi làm việc và đào tạo phát triển nhân tài, giúp gợi mở và khai phóng tiềm năng của mỗi cá nhân. Từ đó, tất cả cùng chung tay trong việc hiện thực hóa sứ mệnh nâng tầm phong cách sống của khách hàng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.
Công ty đã và đang triển khai nhiều hình thức và hoạt động khai vấn (coaching) đa dạng như: khai vấn nghề nghiệp, các buổi khai vấn 1-1, khai vấn đội nhóm, Tọa đàm Lãnh đạo thấu cảm, khai vấn nghề nghiệp…, nhằm giúp toàn thể nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về văn hóa khai vấn, từ đó áp dụng vào thực tế công việc hằng ngày.
Coi phát triển nhân tài là một trong các chiến lược trọng tâm song hành cùng phát triển kinh doanh, AEON Việt nam không ngừng khuyến khích nhân viên thử thách bản thân và trao cho họ cơ hội lựa chọn lộ trình phát triển, thăng tiến nghề nghiệp theo 2 hướng tổng quát (generalist) và chuyên gia (professionalist).
Mục tiêu đồng hành, nuôi dưỡng, hỗ trợ nhân sự phát huy thế mạnh cá nhân và trang bị cho họ hành trình phát triển sự nghiệp bền vững cũng được AEON đẩy mạnh thông qua việc cung cấp đa dạng các hình thức học tập và đào tạo tại Công ty để chủ động nâng cao chuyên môn và năng lực lãnh đạo. AEON Việt Nam đưa ra chính sách tài trợ 50% học phí các khóa đào tạo bên ngoài dành cho nhân viên.
Công ty cũng tập trung nâng cao chất lượng các khóa đào tạo mũi nhọn cho ngành bán lẻ, như khoá Retail Trainee với 5 cấp độ, đào tạo về ngành hàng và vận hành hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị. Tập đoàn đẩy mạnh chiến lược đào tạo nhân tài không chỉ thông qua các chương trình trong nước mà nhân viên còn có cơ hội học tập cùng các công ty trong khu vực, và chương trình học tập và làm việc tại Nhật Bản
Ngoài ra, nhân viên AEON còn thường xuyên được tham gia các chương trình được tổ chức bởi các bộ ban ngành để liên tục được cập nhật thông tin, kiến thức liên quan.
Đặc điểm của ngành bán lẻ với nguồn nhân lực đông đảo và đa dạng về chuyên môn đặt ra nhiều thách thức trong triển khai các hoạt động phát triển bền vững. Do vậy, việc thực hiện phát triển bền vững đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa chiến lược từ trên xuống và những sáng kiến từ dưới lên, được thúc đẩy bởi sự chủ động của nhân viên. Không chỉ vậy, các quy định và xu hướng về phát triển bền vững cũng cần được cập nhật liên tục để phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam".