Tiền Giang nhiều giải pháp đảm bảo chuỗi sản xuất và cung ứng

Trong thời gian giãn cách xã hội từ ngày 12/7 đến nay, Tiền Giang đảm bảo tiêu thụ trên 76.000 tấn rau màu, 136.000 tấn trái cây và gần 5.000 tấn thịt lợn, thịt gia cầm của bà con nông dân.

Hiện nay, Tiền Giang cùng với một số tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành và địa phương là ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, phải đảm bảo sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, duy trì, ổn định sản xuất, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản,... bảo đảm không bị đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm tiêu dùng cho nhân dân. 

Chú thích ảnh
Sơ chế rau tại Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (huyện Gò Công Tây) trước khi cung cấp cho nhà tiêu thụ. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; chủ động tiếp nhận thông tin từ vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm rau màu, trái cây các loại,... Qua đó, điều tiết kịp thời, hạn chế mức thấp nhất nơi thừa chỗ thiếu; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hôi theo Chỉ thị 16-CT/TTg từ ngày 12/7 đến nay, địa phương đã đảm bảo tiêu thụ lượng nông sản hàng hóa thu hoạch được trên 76.000 tấn rau màu các loại, trên 136.000 tấn trái cây và gần 5.000 tấn thịt lợn, thịt gia cầm của bà con nông dân. Sắp tới, Tiền Giang đang vào cao điểm thu hoạch trên 50.000 ha lúa vụ Hè Thu với sản lượng ước từ 270.000 - 300.000 tấn lúa hàng hóa. Đây là nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay.

Tại thị xã Cai Lậy, trong vụ Hè Thu chính vụ, nông dân đã gieo sạ được gần 3.200 ha. Hiện nay, trà lúa đang ở giai đoạn sinh trưởng tốt, hứa hẹn sẽ bội thu. Ngoài ra, bà con còn xuống giống hàng ngàn ha rau màu các loại. Phó Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan cho biết, địa phương siết chặt phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành thế mạnh địa phương như nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Theo ông Đoàn Bảo Ngoan, thị xã Cai Lậy tạo điều kiện cho các phương tiện ra vào vận chuyển, tiêu thụ nông sản hàng hóa nhưng phải bảo đảm quy định về an toàn dịch bệnh, cấp giấy cho nông dân đi lại chăm sóc ruộng vườn và thương lái thu mua nông sản, khuyến khích các doanh nghiệp tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng phù hợp với tình hình phòng, chống dịch vừa đạt hiệu quả cao như giảm lao động; giãn cách phòng, chống dịch; thực hiện phương án ba tại chỗ, “một cung đường hai điểm đến”…

Nhờ những giải pháp tích cực, thời gian qua, nông sản trên địa bàn thị xã không tồn đọng nhiều, một số loại rau màu hút hàng, được giá cao. Từ đầu năm đến nay, thị xã Cai Lậy còn đạt giá trị sản lượng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên 1.016 tỷ đồng, đạt gần 60% chỉ tiêu cả năm và tăng gần 5% so cùng kỳ năm trước.

Huyện Cái Bè nằm về đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) có thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phạm Thị Tại cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang rà soát các doanh nghiệp trong và ngoài Cụm công nghiệp An Thạnh (xã An Cư) về phương án sản xuất kết hợp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Qua rà soát cho thấy, đa phần các doanh nghiệp cắt giảm lao động, triển khai phương án 3 tại chỗ phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất vừa an toàn phòng, chống dịch thì đã tạm ngưng hoạt động ngay từ khi dịch mới bùng phát mạnh.

Đặc biệt, Cái Bè quan tậm phát triển ngành sản xuất và kinh doanh, xay xát lúa gạo. Toàn huyện hiện có trên 120 cơ sở xay xát, kinh doanh lương thực, thực phẩm lớn nhỏ, tập trung tại xã An Cư, kề bên Quốc lộ 1. Với lợi thế trên bến dưới thuyền, khu Bà Đắc (xã An Cư) được mệnh danh là cảng gạo Đồng Tháp Mười với lượng gạo trung chuyển qua đây đạt từ 2 đến 2,5 triệu tấn mỗi năm.

Các doanh nghiệp xay xát, kinh doanh lúa gạo tại khu Bà Đắc đang nỗ lực khắc phục khó khăn, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản hàng hóa cho thị trường trong mùa dịch. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu – Thương mại tổng hợp Mỹ Linh Trương Quang Nghĩa cho biết, doanh nghiệp của ông chuyên về kinh doanh hai mặt hàng chủ lực gạo và đường. Trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch, doanh nghiệp trang bị đồ bảo hộ cho công nhân lao động, thực hiện test nhanh 3 ngày/lần cho đội ngũ giao hàng, thực hiện phương án 3 tại chỗ trong sản xuất – kinh doanh, công nhân lao động được bảo đảm về thu nhập…

Nhờ vậy, sản xuất của doanh nghiệp được duy trì tốt, chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường đảm bảo không bị đứt và giá sản phẩm cũng giữ được bình ổn, không có tình trạng tăng giá do khan hiếm nguồn hàng hoặc đứt nguồn cung. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường 30 tấn đường, 50 tấn gạo.

Còn theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nhờ những giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, mặt trận nông nghiệp của tỉnh vẫn được giữ vững. Trong 8 tháng của năm, toàn tỉnh đạt sản lượng lương thực trên 507.000 tấn, đạt 64,19% chỉ tiêu cả năm; sản lượng rau màu các loại trên 773.600 tấn, đạt 69,47% và tăng hơn 5,37% so cùng kỳ năm trước; sản lượng trái cây các loại gần 1.021.000 tấn, đạt 64,62% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 4,62% so cùng kỳ năm trước...

Minh Trí (TTXVN)
Tiền Giang phát huy vai trò các pháo đài 'vùng xanh' phòng, chống dịch
Tiền Giang phát huy vai trò các pháo đài 'vùng xanh' phòng, chống dịch

Để tận dụng "thời gian vàng" thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/ CT-TTg, tỉnh Tiền Giang tăng cường thiết lập, bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh” nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, giữ vững thành quả phòng, chống dịch. Tỉnh xác định “vùng xanh” là vùng an toàn, chưa phát sinh dịch bệnh hoặc đã phát sinh dịch bệnh nhưng được kiểm soát qua ít nhất 14 ngày không có trường hợp nghi nhiễm, nhiễm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN