Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ngay từ đầu mùa khô 2023 – 2024, địa phương đầu tư trên 1.380 tỷ đồng triển khai hai dự án thủy lợi trọng điểm phía Tây là: dự án đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền và dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành tiếp giáp sông Tiền.
Các công trình thủy lợi được đầu tư kịp thời có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ gần 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Hiện nay, các công trình thủy lợi đầu mối trên cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành giúp tỉnh ứng phó hiệu quả hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2023 – 2024.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh rạch và trong nội đồng trong mùa khô hạn để có biện pháp ứng phó hữu hiệu; đồng thời, rà soát, củng cố hệ thống đê bao phòng, chống hạn hán và triều cường, chống xâm nhập mặn; lên kế hoạch cụ thể đóng các đập ngăn mặn ở các cửa kênh rạch thông ra sông Tiền trước khi xuất hiện độ mặn 1,0 gr/lít khu vực cù lao Tân Phong, cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy).
Đối với những địa bàn sản xuất khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng thiên tai cao, địa phương yêu cầu nông dân xử lý rải vụ trên 4.750 ha vườn cây ăn trái; trong đó, có 2.500 ha sầu riêng, 2.000 ha thanh long, còn lại là các cây trồng khác. Mục đích tránh thời điểm cây mang trái lại bị ảnh hưởng thiên tai, sẽ suy kiệt và thiệt hại khó lường.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái an toàn trong mùa khô hạn, các địa phương phía Tây tỉnh đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó quyết liệt và chủ động.
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, địa phương có vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản trên 11.000 ha, chủ yếu là sầu riêng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Trần Quốc Bình, huyện bám sát kế hoạch của UBND tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp địa phương, triển khai đến các xã và hộ dân, kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình. Cai Lậy tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất kết hợp đắp các đập tạm ngăn mặn và triều cường tại các địa bàn trọng điểm.
Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương cho biết, xã đầu tư hơn 7 tỷ đồng đắp thêm 5 đập tạm đồng thời nạo vét các tuyến kênh nội đồng, sửa chữa các cửa cống trên tỉnh lộ, huyện lộ trong xã đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ gần 1.500 ha vườn sầu riêng chuyên canh và các cây trồng có giá trị kinh tế khác.
Là địa bàn cù lao nằm trên sông Tiền, Chủ tịch UBND xã Tân Phong Trần Văn Nhịn thông tin, địa phương triển khai đắp 16 đập ngăn mặn và triều cường với kinh phí gần 15 tỷ đồng bảo vệ gần 1.300 ha vườn cây ăn quả đặc sản; mặt khác sẽ vận hành 8 giếng khoan dự phòng khai thác nguồn nước ngầm tầng sâu kịp thời bồ sung nước tưới tiêu cho cây trồng khi nước mặt trên sông Tiền bị nhiễm mặn hoặc thiếu nguồn nước bơm tưới...
Các hộ nông dân cũng được khuyến cáo nạo vét ao mương vườn trữ ngọt phục vụ tưới tiêu phòng chống hạn mặn, áp dụng đồng bộ các biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa hạn mặn kết hợp xử lý cho trái rải vụ đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cấp, các ngành hữu quan tập huấn, hướng dẫn ngay từ đầu mùa khô, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Thật, cụ thể hóa kế hoạch phòng, chống hạn mặn 2023 - 2024, địa phương nạo vét 2 tuyến kênh có tổng chiều dài gần 3.000 m trữ ngọt phục vụ tưới tiêu, gia cố các cống đập ngăn mặn, tu sửa các cống hư hỏng với quyết tâm bảo vệ trên 1.600 ha sầu riêng đang trong giai đoạn cho trái mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con.
Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, theo dự báo, từ tháng 3/2024 đến tháng 8/2024, trên sông Tiền sẽ xuất hiện khoảng 5 đợt triều cường; trong đó có 2 đợt triều cường cao, mực nước các nơi dự báo cao hơn báo động 3. Đó là đợt triều cường từ ngày 10 đến 13/3/2024 và đợt triều cường từ ngày 9 đến 12/4/2024. Các đợt triều cường khác mực nước chỉ ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 3.
Thông thường, triều cường sẽ kết hợp với xâm nhập mặn sâu. Dự báo, mặn từ cửa sông sẽ xâm nhập theo hai hướng: Từ hạ lưu sông Tiền lên và từ hướng sông Hàm Luông phía tỉnh Bến Tre lấn qua uy hiếp các vùng trồng sầu riêng xuất khẩu giá trị kinh tế cao tại các huyện, thị phía Tây.
Tiền Giang đang triển khai thêm các điểm đo mặn trên các tuyến sông Tiền và các chi lưu, theo dõi kịp thời cập nhật diễn biến mặn trong ngày nhằm đảm bảo hiệu quả ứng phó hạn, mặn với quyết tâm bảo vệ an toàn các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản đang mang lại nguồn lợi kinh tế hết sức quan trọng cho địa phương.
Trong trường hợp diễn biến triều cường và xâm nhập mặn phức tạp trong những ngày tới đe dọa vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, tỉnh sẽ triển khai phương án đắp 3 đập thép tại đầu các sông: Trà Tân, Ba Rày và Phú An thông ra sông Tiền nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng; đồng thời, trữ ngọt, phòng chống hạn, đảm bảo sản xuất.
Theo thông báo mặn khu vực của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, trong ngày 4/3, mặn trên sông Tiền mới lấn đến cầu Phú Phong (huyện Châu Thành) với độ mặn cao nhất 0,13 gr/lít, giảm 0,07 gram/lít so với ngày trước. Dự báo, triều cường và xâm nhập mặn đang có xu hướng giảm theo triều trong những ngày tới.
Đúc kết kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu, Tiền Giang chủ động và linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ thành công các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là trên 20.000 ha sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao trong mùa khô 2023 – 2024.