Bài 1: Cơ hội xuất khẩu lớn
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, nhu cầu bán hàng xuyên biên giới của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gia tăng đáng kể. Đây là một xu hướng phát triển quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) và quy mô thị trường quốc tế ngày càng mở rộng.
Tiềm năng xuyên biên giới
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trải qua 2 năm chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, TMĐT Việt Nam đã phát triển rất nhanh và thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng lẫn người bán hàng, logistics. Song song đó, DN bán lẻ đến nay cũng đã dần thích nghi chuyển đổi từ offline sang online. Điều này cũng tạo sự cạnh tranh thị phần trong nước trên nền tảng TMĐT, khi ngày nhiều DN trong và ngoài nước tham gia.
Ngoài các công cụ bán hàng online miễn phí trên mạng xã hội, các DN còn đẩy mạnh bán hàng trên các trang TMĐT. Đặc biệt, bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT đang trở thành xu hướng và được rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ quan tâm (MSME).
Báo cáo mới công bố của hãng tư vấn Access Partnership (Anh) cũng cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu bán lẻ từ DN tới người tiêu dùng (B2C) qua TMĐT tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng). Con số trên chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022. Song song đó, dựa trên các xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ hiện tại mà DN áp dụng TMĐT, đơn vị này dự báo doanh thu xuất khẩu qua TMĐT ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 9%.
Trong hội nghị “Thương mại điện tử Xuyên biên giới”, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) của Bộ Công Thương và Amazon Global Selling tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng iDEA cũng đã nhận xét, TMĐT xuyên biên giới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số mà Chính phủ đề ra. Hiện tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đã cao gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của TMĐT nói chung, các DN Việt Nam cũng đang tham gia vào xu hướng đó.
Theo bà Lại Việt Anh, các doanh nghiệp điều tra thị trường cũng đang kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới đạt 11,1 tỷ USD vào năm 2026 và lên 12,5 tỷ USD vào năm 2027 nếu các doanh nghiệp được tham gia vào đào tạo, kỹ năng, thông tin và hỗ trợ vào TMĐT xuyên biên giới.
“Số liệu Amazon cũng cho thấy, cộng đồng người bán hàng xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT Amazon cũng tăng trưởng rất cao trong những năm qua và tăng đến 80% về số lượng, 45% về giá trị xuất khẩu. Điều này cho thấy, sự khát vọng và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xu thế TMĐT xuyên biên giới toàn cầu”, bà Lại Việt Anh chia sẻ.
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu
Một xu hướng đáng chú ý là sự tăng tốc của bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT. Việc mua sắm các sản phẩm từ nước ngoài đã trở nên phổ biến và thuận tiện hơn bao giờ hết. Các nền tảng TMĐT cung cấp đa dạng lựa chọn sản phẩm từ các thị trường quốc tế, cho phép người tiêu dùng mua sắm đa dạng mặt hàng và giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, các dịch vụ vận chuyển quốc tế đã phát triển mạnh mẽ, giúp hỗ trợ quá trình vận chuyển và nhận hàng thuận lợi.
Đối với DN Việt Nam, TMĐT và bán hàng xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng lớn. Việc tham gia vào TMĐT giúp DN tiếp cận khách hàng trên toàn quốc và thậm chí trên toàn thế giới, điều này mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn.
Ngoài ra, bán hàng xuyên biên giới cũng mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể cho các DN. Cụ thể, việc xuất khẩu hàng hóa thông qua TMĐT giúp gia tăng doanh số bán hàng và mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, DN cũng có thể nhập khẩu các nguyên liệu và sản phẩm chất lượng từ các thị trường quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường.
Báo cáo Access Partnership cho thấy, năm 2022, xuất khẩu từ DN đến người tiêu dùng qua TMĐT tại Việt Nam đạt giá trị 80,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, dựa trên các xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ hiện tại mà các DN áp dụng TMĐT, doanh thu xuất khẩu qua TMĐT ở Việt Nam có thể tăng lên 124,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 9%.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế số cho rằng, nếu các MSME đẩy nhanh tốc độ áp dụng TMĐT để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ của mình, Việt Nam có thể thấy doanh thu xuất khẩu qua TMĐT tăng lên 296,3 nghìn tỷ đồng (13 tỷ USD) vào năm 2027; tỷ trọng doanh thu mà MSME kiếm được cũng có thể tăng lên 67% từ mức chỉ 24% như hiện nay.
Khảo sát của Access Partnership với 300 MSME của Việt Nam cho thấy, 86% tin rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT. Các MSME cũng đánh giá cao quy mô và khả năng tiếp cận của họ với một nhóm lớn người tiêu dùng toàn cầu ở nhiều quốc gia khác nhau.
Hầu hết, các MSME ở Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang phần còn lại của Đông Nam Á và Trung Quốc và tiếp tục coi là hai khu vực xuất khẩu lớn nhất của họ trong tương lại. Tuy nhiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nổi trội hơn trong các ưu tiên của MSME trong 5 năm tới.
Người tiêu dùng qua kênh TMĐT ở các nương phương Tây trọng điểm cũng tiết lộ thông qua một số khảo sát rằng, cơ hội cho các MSME Việt Nam phục vụ nhu cầu về hàng hóa thông qua TMĐT, với cả tần suất mua hàng và chi tiêu trung bình đều tăng kể từ năm 2020. Điều này cho thấy, cơ hội xuất khẩu qua TMĐT mang lại nhiều thuận lợi hơn cho các MSME khi được hỗ trợ về thông tin, nhu cầu khách hàng, thị hiếu và những tiêu chí mà các nước châu Âu, Hòa Kỳ đưa ra khá khắt khe.
Trong tương lai, TMĐT và bán hàng xuyên biên giới dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Vì thế, bà Lại Việt Anh cho rằng, các DN nên tận dụng và thích ứng với xu hướng này để tăng cường sự cạnh tranh và mở rộng quy mô kinh doanh của mình. Đồng thời, các cơ quan chính phủ, tổ chức và công ty nghiên cứu cũng cần tiếp tục theo dõi và đưa ra các chính sách và giải pháp thích hợp để phát triển TMĐT và bán hàng xuyên biên giới ở Việt Nam.
Bài cuối: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp