Thương mại điện tử thúc đẩy logistic tăng trưởng mạnh mẽ - Bài cuối: Tăng tốc mở rộng thị phần

Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã thúc đẩy các doanh nghiệp không chỉ bán hàng trong nước mà còn mở rộng các kênh bán hàng trên toàn thế giới. Do đó, để TMĐT phát triển, dịch vụ logistics được xem là một mắt xích then chốt trong dây chuyền thương mại.

Cụ thể, từ người bán đến người mua với quy trình hoàn tất đơn hàng, bao gồm các khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và thậm chí chăm sóc khách hàng sau bán hàng nên giữa TMĐT và logistics có mối liên kết chặt chẽ và tương trợ đắc lực cho nhau.

Từ nâng cấp hạ tầng

Chú thích ảnh
Để nắm bắt cơ hội, các đơn vị logistics đã kết hợp với các sàn TMĐT tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu người mua sắm. Ảnh: T.E

Tại Hội nghị “Cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính” mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, định hướng đến năm 2030, ngành bưu chính sẽ tập trung đẩy mạnh lĩnh vực TMĐT và logistics với quy mô thị trường lên đến 70 – 80 tỷ USD vào năm 2025, cũng như thúc đẩy chuyển đổi ngành bưu chính từ dịch vụ truyền thống sang dịch vụ số.

Để nắm bắt cơ hội, các sàn TMĐT đã tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu về sự tiện lợi của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Các đơn vị chuyển phát nhanh cũng tận dụng cơ hội này đẩy mạnh chuyển đổi dịch vụ số để vừa quản lý số lượng đơn hàng “khủng”, vừa đảm bảo bưu kiện tới được tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn. Do đó, nhiều đơn vị vận chuyển đã chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra, bổ sung máy móc, trang thiết bị, bố trí nhân sự bổ sung ở tất cả các khâu để xử lý hàng hóa và chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất.

Điều này đặt ra bài toán không dễ dàng cho Ninja Van trong việc nâng cấp hệ thống vận hành nhằm đảm bảo dịch vụ giao hàng uy tín và kịp thời đến khách hàng trên toàn quốc. Theo đó, Ninja Van đã xây dựng hệ thống dây chuyền và công nghệ quét mã vạch hiện đại được ứng dụng trong việc kiểm kê hàng hóa để đảm bảo tính chính xác và đẩy nhanh tốc độ vận chuyển đơn hàng.

Song song đó, đơn vị còn dự kiến cho ra mắt ứng dụng dành riêng cho người kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời sẽ tổ chức các chương trình chia sẻ kiến thức bán hàng miễn phí trên sàn TMĐT cũng như các gói hỗ trợ kinh doanh, ưu đãi kích cầu thương mại.

Trong khi đó, theo J&T Express, dịp Tết Nguyên đán 2022 sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ đẩy mạnh việc bán hàng qua kênh TMĐT. Vì thế, đơn vị đã và đang áp dụng công nghệ thông tin vào khâu vận chuyển hàng hóa, đảm bảo việc giao nhận được diễn ra thông suốt, nhanh chóng và chính xác.

Chú thích ảnh
J&T Express vừa đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển hiện đại tại Việt Nam.

Trong năm qua, J&T Express cũng đã cho ra mắt dịch vụ vận chuyển dành riêng cho nông sản và đồ tươi sống J&T Fresh cũng như hợp tác cùng UPOS - phần mềm bán hàng online và chốt đơn livestream. Các hoạt động này đã hỗ trợ bà con nông dân và các hộ sản xuất nông nghiệp đơn giản hóa việc bán hàng, giải quyết bài toán về đầu ra tiêu thụ sản phẩm nhờ vào việc ứng dụng quy cách đóng gói và công nghệ hiện đại; đồng thời đáp ứng mục tiêu đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Thông qua đó, hỗ trợ toàn diện việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến tay người tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán điện tử.

Ngoài việc phát triển công nghệ và mở rộng dịch vụ theo đúng chiến lược đề ra, việc sở hữu những trung tâm trung chuyển đạt tiêu chuẩn cũng là điểm mấu chốt đảm bảo tốc độ chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp. Đây chính là lý do J&T Express quyết định đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển hiện đại và lớn hàng đầu Việt Nam với diện tích lên tới 60.000 m2, có khả năng xử lý tới hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm trong các đợt cao điểm, đồng thời rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.

Tháng 7/2021, TikiNOW Smart Logistics cũng đã chính thức vận hành khu vực ứng dụng robot vào kho vận, giúp tăng gấp đôi công suất so với quy trình thủ công trước đây. Với Lazada logistic, đơn đã linh động mở thêm 5 trung tâm phân loại hàng hóa tại nhiều quận huyện khác nhau, từ đó có thể linh hoạt để điều phối hàng hóa. Công nghệ AI cũng được áp dụng vào khâu giao hàng nhằm cung cấp cho người giao hàng đoạn đường giao vận ngắn nhất, từ đó gia tăng tối đa hiệu suất giao hàng.

Đến mở rộng xuyên biên giới

Chú thích ảnh
Kho vận hàng hàng hoá của Lazada. Ảnh: Lazada

Không dừng lại ở phạm vi trong nước, các đơn vị logistics còn đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới. Cụ thể, Ninja Van đặt mục tiêu mở rộng hơn các dịch vụ mua hàng và giao hàng xuyên biên giới Ninja Direct, khởi đầu với dịch vụ nhập hàng Trung Quốc. Mục tiêu này sẽ mang đến tác động hai chiều: giúp kết nối người bán hàng ở Việt Nam tới các nhà cung cấp lớn ở nhiều nước khác nhau, đồng thời giúp kết nối các nhà sản xuất ở Việt Nam tới các thị trường trong khu vực và thế giới.

Còn J&T Express đẩy mạnh dịch vụ J&T International, triển khai giao nhận với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải dài từ châu Á đến châu Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada… và từ ngày 7/1/2022, J&T Express cũng sẽ mở rộng mạng lưới ở khu vực Trung Đông, cụ thể là ở UAE và Saudi Arabia.

Trong khi đó, MCL (giao vận đa kênh của Lazada logistic) chính là giải pháp để đơn vị đẩy mạnh việc mở rộng thị trường xuyên biên giới. Theo đó, MCL cung cấp giải pháp xử lý đơn hàng toàn diện giúp các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT và các thương hiệu hoàn thiện khâu giao vận logistics trên tất cả các kênh TMĐT một cách thông suốt.

Đây là một trong những sáng kiến của đơn vị nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong khâu giao vận của các doanh nghiệp, từ đó tập trung vào bán hàng và tiếp thị cũng như mở rộng quy mô kinh doanh. Như vậy, dù người tiêu dùng đặt mua hàng trên Lazada hay bất cứ nền tảng TMĐT nào, Lazada Logistics cũng sẽ tiếp nhận và giao tất cả các đơn hàng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có đầu tư công nghệ hiện đại với mạng lưới phủ kín khắp các tỉnh, thành trên cả nước, song vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, khi TMĐT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, các doanh nghiệp logistics cũng nên chuyển đổi kịp thời, từ doanh nghiệp logistics truyền thống sang logistics TMĐT ứng dụng công nghệ tự động hóa, mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, không bị đẩy ra khỏi “sân chơi” khi hiện nay, đang có nhiều doanh nghiệp logistics ngoại đầu tư mạnh vào để cạnh tranh giành thị phần.

Chú thích ảnh
Đã đến lúc các doanh nghiệp logistics truyền thống cần phải nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số để bắt kịp với sự phát triển của thị trường trong tương lai. Ảnh: N.V

Trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng hướng đến giải pháp tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. Trong đó giải pháp đặt ra, yêu cầu cải tạo, phát triển hạ tầng logistics như: Cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT; nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị…

Theo đó, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, sự thay đổi về phương thức và thay đổi của TMĐT cả trong nước và trên thế giới sẽ có tác động mạnh, thúc đẩy ngành logistics theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; đồng thời cũng gây áp lực lớn tới chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp logistics. Như vậy,  doanh nghiệp logistics nào nhanh chân đón đầu, doanh nghiệp đó sẽ thắng và không chỉ cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị phần trong nước mà có thể mở rộng ra thị trường quốc tế. 

Hải Yên/Báo Tin tức
Thương mại điện tử thúc đẩy logistic tăng trưởng mạnh mẽ - Bài 1: Chuyển mình
Thương mại điện tử thúc đẩy logistic tăng trưởng mạnh mẽ - Bài 1: Chuyển mình

Nền kinh tế số Việt Nam đang là một trong những thị trường “nóng” nhất ở Đông Nam Á với 3 ngành “xương sống”: Thương mại điện tử, Fintech và Logistics. Tại Việt Nam, cả 3 ngành này đã hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau phát triển; trong đó, dịch vụ logistic từ dịch vụ truyền thống đang chuyển dần sang dịch vụ số mạnh mẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN