Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đạt kịch bản GDP tăng 6%

Kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Tuy nhiên thách thức đặt ra những tháng cuối năm còn rất lớn. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: GSO

Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các địa phương ''đầu tàu'' duy trì đà tăng khá. Bà có thể phân tích cụ thể về vấn đề này?’

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2023 đạt 5,33%, cao nhất so với 2 quý đầu năm. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay duy trì đà tăng tích cực (quý I chỉ tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%), bình quân 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24% so cùng kỳ năm ngoái. 

Lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế với mức tăng quý III/2023 lần lượt là 3,72% và 6,24%; khu vực công nghiệp - xây dựng cũng khởi sắc hơn.

Nhìn lại sản xuất công nghiệp 9 tháng năm nay có thể thấy xu hướng rõ nét, đặc biệt từ tháng 5/2023 đến nay, sản xuất công nghiệp hàng tháng liên tục tăng so cùng kỳ, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo.

Một số ngành dịch vụ thị trường trong quý III/2023 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ năm ngoái như: Dịch vụ bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng trên 8%; vận tải kho bãi tăng trên 9,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống trên 8,7%. Tính chung 9 tháng qua, các ngành này vẫn tăng trưởng tốt, là điểm sáng của khu vực dịch vụ trong năm nay.

Chú thích ảnh
GDP quý III/2023 tăng 5,33%, áp lực lớn cho tăng trưởng quý IV/2023. 

Nhìn từ phía cầu, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm nay theo giá hiện hành ước đạt 2260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.  Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình mặc dù không sôi động như thời kỳ trước dịch COVID-19 nhưng cơ bản vẫn đảm bảo mức tăng ổn định do quý III có nhiều hoạt động như mùa du lịch, khai giảng năm học mới, Tết Trung Thu… 

Bà đánh giá như thế nào về triển vọng xuất, nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm, trong bối cảnh xuất khẩu có dấu hiệu ‘hụt hơi’?

Sau 4 tháng tăng trưởng, sang đến tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu giảm 4,1% so với tháng trước, giá trị ước đạt 31,41 tỷ USD. Tuy nhiên, do tốc độ giảm của xuất khẩu thấp hơn nhập khẩu nên sau 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại vẫn nghiêng về xuất siêu với 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD) với các sản phẩm chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu cao gồm điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; dây điện và cáp điện 585 triệu USD.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ giảm 16,8%; EU giảm 8,2%; ASEAN giảm 5,5%; Hàn Quốc giảm 5,1%. Đáng lưu ý, khu vực doanh nghiệp trong nước có sự phục hồi mạnh mẽ hơn cả về xuất khẩu và nhập khẩu so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Từ những tín hiệu của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm cũng như trong năm 2024.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, theo bà, những yếu tố nào đã kìm hãm tăng trưởng của 9 tháng năm nay? 

Kinh tế 9 tháng năm 2023 vẫn phải đối mặt với với nhiều khó khăn, thách thức khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút. Chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. 

Động lực từ khu vực sản xuất trong nước tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn hàng; chi phí đầu vào tăng cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp… Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm. 

Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm nay lớn. Sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong quý III là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ vừa lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm nay khoảng 6%. Theo bà, cần có những giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng?

Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn đồng thời chủ động khai thác các cơ hội, TCTK kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ; theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam.

Các Bộ, ban ngành địa phương tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để gỡ khó cho doanh nghiệp; liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành, ứng phó với các tình huống phát sinh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh tiêu dùng thông qua các giải pháp tập trung phát triển thị trường trong nước hơn 100 triệu dân; thực hiện hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tính chung 9 tháng năm nay, vốn từ ngân sách Nhà nước ước đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% cùng kỳ năm trước. Khối lượng thực hiện đầu tư công trong 9 tháng qua đã thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các Bộ ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt trong quý III/2023, nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm nay.

Việc đẩy mạnh giải ngân cũng cần đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn.

Cúng đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu; tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn.

Phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Minh Phương/Báo Tin tức (ghi)
GDP quý III tiếp tục tăng, năm 2023 tăng trưởng của Việt Nam có thể đứng đầu Đông Nam Á
GDP quý III tiếp tục tăng, năm 2023 tăng trưởng của Việt Nam có thể đứng đầu Đông Nam Á

Kinh tế Việt Nam đã xuất hiện xu hướng tích cực khi tốc độ tăng trưởng GDP của ba quý năm 2023 liên tục được đẩy lên, từ mức 3,28% trong quý I lên 4,05% trong quý II và đạt 5,33% trong quý III.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN