Theo TCTK, từ tháng 9 năm 2019 trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lần lượt là 0,32%; 0,12%; -0,62%; 0,4% và 1,08%.
Lý giải nguyên nhân này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá TCTK cho biết: Việc một số địa phương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính khiến CPI tháng 9/2023 tăng mạnh.
Theo TCTK, CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,99%; giáo dục tăng 5,95%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,9%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,05%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,59%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,86%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,47%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,58%.
Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 1,12%; giao thông giảm 2,28%.
Như vậy, CPI bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. CPI 9 tháng năm nay tăng còn là do chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 9 tháng năm nay tăng 71,56% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nhiên liệu bay ở mức cao, tỷ giá, lãi suất đều tăng khiến chi phí của các hãng tăng. Ngoài ra, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt trong dịp lễ, Tết, nghỉ hè vừa qua đã tác động đến giá vận tải hàng không.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, trong 9 tháng năm nay, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng. Tiêu chuẩn thương mại toàn cầu và hàng rào bảo hộ gia tăng trong khi tiêu dùng còn yếu ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, cung cầu và giá cả. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của nhiều quốc gia.
Trong nước, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, giá sản xuất tăng giảm đan xen. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III/2023 và tháng 9 năm nay có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa lại có xu hướng giảm.
"Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế", bà Nguyễn Thu Oanh cho biết.
Theo đó, nhiều giải pháp được tích cực triển khai, như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; hỗ trợ doanh nghiệp, gia hạn visa cho khách du lịch. Đặc biệt các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và công tác an sinh xã hội cũng đã được Chính phủ, Bộ ngành chỉ đạo quyết liệt.
Nhờ vậy, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen. Bình quân 9 tháng, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2022 và lạm phát cơ bản tăng 4,49%.