Thực hiện kế hoạch vụ Đông Xuân phù hợp với thực tế

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2018 - 2019 được dự báo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thời tiết, khí hậu. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, các tỉnh, thành phố phía Bắc cần chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất lúa, rau màu vụ Đông Xuân phù hợp với thực tế.

Chú thích ảnh
Vụ lúa Đông Xuân năm 2018, tỉnh Ninh Bình gieo cấy hơn 40.000 ha, đến nay đã thu hoạch được khoảng hơn 40% diện tích, năng suất ước đạt 66 tạ/ha, cao hơn vụ Đông Xuân trước. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Sản xuất nông nghiệp bội thu

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2018 và triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019 các tỉnh phía Bắc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức tại Nam Định, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vụ Mùa năm 2018, toàn miền Bắc gieo cấy 1.118.000 ha lúa (giảm khoảng 17.000 ha so với vụ Mùa năm 2017). Ngay từ đầu vụ, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, mưa lũ gây ngập úng trên 100.000 ha lúa và rau màu tại các tỉnh phía Bắc. Nhiều diện tích lúa phải gieo cấy lại.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao để đảm bảo thời vụ và hiệu quả sản xuất; tổ chức chăm sóc, làm tốt phòng trừ bệnh hại. Các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất 2 vụ lúa ở khu vực cao, kém hiệu quả sang cây trồng cạn như: hoa, cây cảnh, ngô, đậu tương, ớt, rau các loại, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2018 đến nay, các tỉnh phía Bắc đã chuyển đổi trên 10.480 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác (tăng khoảng 1.800 ha so với năm 2017).

Nhờ những giải pháp linh hoạt trong sản xuất nên vụ Hè Thu, vụ Mùa năm nay đạt được hiệu quả cao. Năng suất lúa trung bình của các tỉnh phía Bắc trong vụ Mùa ước đạt 50 tạ/ha (tăng 3,5 tạ/ha so với năm 2017).

Sản lượng lúa Mùa toàn miền Bắc ước đạt 5,6 triệu tấn (tăng trên 320 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2017). Về kết quả sản xuất rau màu, tính đến đầu tháng 10/2018, diện tích rau màu vụ Hè Thu, vụ Mùa toàn miền Bắc ước đạt gần 280 nghìn ha; trong đó, cây ngô, khoai lang, đậu tương, lạc chiếm đa số.

Ông Trần Xuân Định cho biết thêm, ngoài việc chuyển đổi thành công nhiều diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế vượt trội, nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã áp dụng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.

Điển hình như mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội do tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) hỗ trợ. Tổng diện tích thực hiện mô hình này lên tới 45 ha với 2 giống lúa chủ lực là Bắc Thơm số 7 và J02. Giá trị thu nhập trên 1 ha sản xuất lúa hữu cơ đạt 160 triệu đồng.

Mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo Bắc Thơm chất lượng cao tỉnh Nam Định do Công ty TNHH Toản Xuân thực hiện với quy mô trên 400 ha, sản lượng thu mua 1.800 tấn lúa, thu nhập của người dân trên 1 ha tăng khoảng 10% so với trồng lúa đại trà...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, các địa phương mở rộng diện tích lúa lai, ưu tiên giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, gạo ngon, hạt dài để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế. Tùy vào điều kiện mỗi địa phương có thể lựa chọn 3 - 4 giống lúa lai chủ lực và các giống lúa bổ sung.

Vụ Đông Xuân năm nay được dự báo có thể thiếu hụt nước nên các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nghiên cứu chuyển đổi diện tích trồng lúa ở khu vực cao, khó khăn về nước tưới sang trồng hoa màu và những cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa gắn với kiến thiết lại đồng ruộng, hình thành những “cánh đồng lớn” gieo cấy cùng một giống lúa có thị trường tiêu thụ; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, các tỉnh, thành phố cần có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp đảm bảo các nông sản địa phương có đầu ra ổn định.

Cùng với đó, mở rộng các hình thức dịch vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm nông dân trong cung ứng giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, tưới tiêu nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Đặc biệt, trên cơ sở xác định các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, đồng thời căn cứ vào định hướng quy hoạch, các địa phương chỉ đạo, rà soát quy hoạch, sản xuất tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng để thuận lợi cho việc hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc phải gắn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với ứng dụng cơ giới hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, lựa chọn cây trồng phù hợp với mùa vụ, thị trường để đạt được hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng.

Vụ Đông Xuân 2018 - 2019, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1.122.000 ha lúa; năng suất trung bình ước đạt 64,3 tạ/ha; sản lượng ước đạt khoảng 7,216 triệu tấn.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Cảnh báo hạn mặn trong sản xuất vụ Đông Xuân
Cảnh báo hạn mặn trong sản xuất vụ Đông Xuân

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1.573.100 ha, phấn đấu năng suất đạt xấp xỉ 7 tấn/ha, sản lượng gần 11 triệu tấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN