Thúc đẩy thị trường chứng chỉ carbon Việt Nam phát triển bền vững

Sáng 29/11, trong khuôn khổ Chương trình Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2024, đã diễn ra cuộc gặp gỡ và trao đổi về cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam và lộ trình hướng đến mục tiêu Net Zero 2050.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Binu Jacob, Đồng chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp và môi trường. Vì vậy, hành động ngay và quyết đoán là điều cần thiết, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Tại Nestlé, phát triển bền vững không chỉ là một phần trong chiến lược kinh doanh mà còn là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

“Nestlé Việt Nam tự hào đi đầu trong nỗ lực này với nhiều chiến lược toàn diện nhằm giảm lượng khí thải carbon. Chúng tôi đã tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng những mục tiêu đầy tham vọng này không thể đạt được nếu chỉ hành động riêng lẻ. Điều đó đòi hỏi sự chung sức của toàn bộ chuỗi giá trị, đặc biệt là từ những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bền vững”, ông Binu Jacob khẳng định. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh chương trình.

Chia sẻ về cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi trường cho biết, thực tế, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam là thành viên tham gia. 

Quản lý tín chỉ carbon bao gồm việc xây dựng và tổ chức triển khai các quy định về cơ chế quản lý việc tạo tín chỉ và trao đổi, mua bán tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện hoặc bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí thải nhà kính; là cơ sở cho phát triển thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường thế giới. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải  quốc gia, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia. 

Trao đổi rõ hơn về cơ chế này, ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg, những lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải…Theo thống kê, sẽ có 2.166 cơ sở phải thực hiện kiểm kê. 

Giai đoạn đầu thực hiện trong phạm vi lĩnh vực: sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện. Trong giai đoạn thí điểm, chỉ có các cơ sở phát thải lớn được đưa vào thị trường carbon (khoảng 150 doanh nghiệp). Hạn ngạch sẽ được phân bổ 100% miễn phí trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon. Tỉ lệ tối đa tín chỉ carbon được sử dụng để bù trừ cho hạn ngạch là 20%.

Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước bao gồm: Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế theo thỏa thuận hoặc điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam và bên ký kết nước ngoài; Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế khác.

Theo các chuyên gia, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường carbon, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về thị trường tín chỉ carbon, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tham gia các cơ chế carbon toàn cầu...

Thu Trang/Báo Tin tức
Công nghệ nhiệt Mặt Trời thúc đẩy nền kinh tế ít carbon tại Australia
Công nghệ nhiệt Mặt Trời thúc đẩy nền kinh tế ít carbon tại Australia

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) vừa khởi động một dự án liên doanh mới sử dụng công nghệ nhiệt Mặt Trời thế hệ tiếp theo để giảm lượng khí thải carbon trong các ngành công nghiệp nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN