Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.
Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp hiểu đơn giản là việc tích cực đổi mới, đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, hạn chế tiêu hao năng lượng và sử dụng các nguyên nhiên vật liệu để có sản phẩm đầu ra đủ khả năng tái chế...
Còn đối với người tiêu dùng, ngoài việc hạn chế sử dụng các vật dụng, bao bì đóng gói liên quan tới nhựa cũng cần thay đổi hành vi và thói quen, thậm chí cần có thái độ kiên quyết loại bỏ.
Đã có không ít dự án, đề án của các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước được triển khai tại Việt Nam nhằm tái chế rác thải nhựa và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để tạo nên xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và thay đổi nhận thức bảo vệ, gìn giữ môi trường ở mỗi cá nhân.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) cho biết, trong 3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp trên thế giới quan tâm tới sáng kiến, mô hình kinh doanh nền kinh tế tuần hoàn đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nền kinh tế tuần hoàn vẫn là khái niệm mới đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp gặp rủi ro vì khan hiếm nguyên liệu và sự biến động về giá cả tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của quốc gia.
Việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam được đặt ra như một nhu cầu tất yếu và không thể không làm, ông Vinh nhấn mạnh. Bởi nếu áp dụng triệt để “tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ đô la Mỹ (USD) cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới.
Vì vậy, theo ông Vinh các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài tư duy nền kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu với những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Là người luôn theo sát hoạt động của các thành viên doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, ông Andrew Thomas Mangan, Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Hoa Kỳ cho biết, nếu như năm 2015, Việt Nam phát sinh khoảng 27 triệu tấn chất thải thì tới nay có đến 70% các bãi xử lý chất thải không được xếp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Trong khi đó, muốn biến chất thải thành nguyên vật liệu đem lại giá trị, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân phối cho nguyên liệu thứ cấp. Vì thế, các nhà đầu tư sẽ khó tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng như khó đánh giá, kiểm soát thông tin về nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.
Ông Jim Fitterling, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dow, thành viên sáng lập của Liên minh Chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) bao gồm gần 30 công ty và tổ chức toàn cầu ở khu vực Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông cùng tham gia đầu tư phát triển và mở rộng các giải pháp quản lý chất thải nhựa và thúc đẩy các giải pháp sau khi sử dụng nhựa cho biết, việc giữ môi trường sạch sẽ, không rác thải là điều quan trọng đối với mọi ngành công nghiệp, nhưng hơn cả là nó rất cấp thiết đối với tương lai của hành tinh này.
Phát động các sáng kiến và cùng chung tay gìn giữ môi trường, tăng tốc thúc đẩy sự đổi mới, cung cấp các nguồn lực cần thiết và hành động quyết đoán để chấm dứt chất thải nhựa trong môi trường chính là việc cần làm ngay.
Công ty Dow Việt Nam đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 với một số dự án nhằm thúc đẩy chấm dứt rác thải nhựa; trong đó có thử nghiệm đoạn đường giao thông đầu tiên dài 1 km, chuyển hóa từ gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo - tương đương với khoảng 1 triệu bao bì nhựa được các khách hàng của Dow tại các khu vực lân cận cung cấp.
Sau khi hoàn thành, con đường mới này sẽ được Đại học Hàng hải Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án trên phạm vi toàn tổ hợp công nghiệp. Dự kiến, con đường này sẽ hoàn thành vào tháng 9/2019.
Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Công ty Dow Việt Nam cho biết: “Dow cam kết mạnh mẽ trong việc chấm dứt rác thải nhựa; trong đó, có việc tìm ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm biến rác thải nhựa thành những sản phẩm mới. Chúng tôi đã xây dựng hơn 90 km đường giao thông từ rác thải nhựa tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Hoa Kỳ và đây cũng là nền tảng để chúng tôi triển khai áp dụng dự án này tại Việt Nam".
Theo dự án này, rác thải nhựa mà chủ yếu là bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng như màng nhựa polyethylen, vỏ chai nước uống, sản phẩm chất lỏng, bao bì sản phẩm... sau khi được làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, phế liệu nhựa được trộn với nhựa đường ở nhiệt độ cao cho nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường để trải thảm đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.
Đường giao thông được làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí thải nhà kính. Đây là 1 trong không ít ứng dụng sản phẩm nhựa tái chế từ rác thải nhựa mà Việt Nam đang tiến hành và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Để thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế tuần hoàn phát triển, ngoài việc hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn làm cơ sở cho việc xử lý tái chế chất thải... cần tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, các trường Đại học và các nhà khoa học với doanh nghiệp.
Đây chính là kênh dẫn nối, là nơi hội tụ sáng kiến để từ đó nhanh chóng hoàn thiện công nghệ tái chế xử lý chất thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh nhận định.
Khái niệm phát triển bền vững hay kinh tế tuần hoàn vẫn mới mẻ với đa phần người dân và doanh nghiệp, song ngoài việc tích cực tuyên truyền, thay đổi nhận thức cũng rất cần các cơ chế khuyến khích, tạo động lực để người dân, các doanh nghiệp và các nhà khoa học nỗ lực hơn trong phát kiến và hiến kế, đồng hành cùng Chính phủ nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.