Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội nghị “Giải quyết tranh chấp xuyên biên giới: Xu hướng mới nổi tại khu vực Đông Á và một số vấn đề đương đại” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế (VBLC) phối hợp tổ chức ngày 9/5, tại Tp. Hồ Chí Minh.
Hội nghị này mở đầu cho Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam năm 2023 (từ 8-12/5) diễn ra ở cả Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho biết, sau đại dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu bị gãy đổ, các quốc gia đang nỗ lực thiết lập lại chuỗi cung ứng mới, tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới.
Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có quy mô thương mại lớn với mạng lưới đối tác rộng khắp. Những điều kiện trên mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tranh chấp thương mại, dẫn đến thiệt hại không nhỏ về cả tài sản và uy tín cho doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, tranh chấp thương mại là tranh chấp dân sự và có thể được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau nhưng ưu tiên cho phương án ngoài toà án (thương lượng, hoà giải, trọng tài quốc tế) sau đó mới đến toà án. Trên thế giới, có khoảng 90% số vụ tranh chấp được giải quyết bên ngoài toà án.
Tại Việt Nam mặc dù phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án đã được áp dụng từ hơn 60 năm trước nhưng đến hiện tại, số vụ việc được giải quyết bằng toà án vẫn chiếm phần lớn, chỉ có khoảng 300 vụ việc được giải quyết thông qua hoà giải và trọng tài thương mại mỗi năm.
Một trong những nguyên nhân rất quan trọng là do nhận thức, thông tin về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chưa được phổ cập đến cộng đồng doanh nghiệp và đến các cơ quan có liên quan. Với phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường không có bộ phận pháp chế, tư vấn pháp lý nên vẫn quen sử dụng các mẫu hợp đồng truyền thống với điều khoản xử lý tranh chấp tại toà án.
Điều này diễn ra nhiều năm, trong bối cảnh thương mại thế giới liên tục thay đổi, bất định đã dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống toà án, các vụ việc tranh chấp bị tồn đọng từ năm này qua năm khác, làm mất nhiều thời gian và cơ hội của doanh nghiệp.
“Chính vì vậy, cần có một chiến dịch đẩy mạnh nhận thức về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; trong đó, trọng tâm là hòa giải và trọng tài cho giải quyết các tranh chấp giữa các doanh nghiệp là điều rất cần thiết. Tuần lễ Trọng tài và Hoà giải thương mại Việt Nam cũng đồng thời góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ những người làm trọng tài hòa giải ở Việt Nam và trong khu vực. Từ đó, thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp ngoài trọng tài, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như tăng cường quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường đầu tư trong thời gian tới”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bà Trần Thanh Huyền, Chủ nhiệm VBLC chia sẻ, đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolutions, gọi tắt là ADRs) đang ngày càng được nhiều quốc gia, tổ chức giải quyết tranh chấp công nhận là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả bên cạnh tòa án. Với những ưu điểm nổi bật về tính nhanh chóng, hiệu quả, bảo mật, ADRs đã và đang trở nên phổ biến và được sử dụng nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong số các phương thức này, phổ biến nhất có thể kể đến hai phương thức là trọng tài và hòa giải. Với việc tôn trọng thỏa thuận của các bên cùng quy trình thủ tục tinh gọn, linh hoạt, các hình thức này đã đem đến nhiều lợi ích và hỗ trợ tích cực cho các bên khi phát sinh mâu thuẫn liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Theo bà Trần Thanh Huyền, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, bằng hòa giải luôn tạo cảm giác thân thiện hơn, nhanh chóng hơn toà án vì quá trình phân xử tôn trọng tối đa quyền tự quyết của hai bên, đương sự được quyền lựa chọn cơ quan trọng tài, trọng tài viên, ngôn ngữ, địa điểm để phân xử vụ việc. Quan trọng nhất, phán quyết của trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành tương đương phán quyết của tòa án, được các cơ quan thi hành án thúc đẩy thi hành và có giá trị trên 170 nước trên thế giới theo Công ước thế giới về trọng tài.
Hiểu rõ giá trị của phán quyết trọng tài sẽ giúp doanh nghiệp đề ra được những biện pháp phòng ngừa và xử lý tranh chấp bằng cách đưa các điều khoản về trọng tài vào trong các hợp đồng thương mại, đảm bảo an toàn kinh doanh trong bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro.
Theo Ban tổ chức, Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam năm 2023 với hàng chục hội thảo trực tiếp và trực tuyến sẽ tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp cũng như thích ứng với một Châu Á năng động đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID -19.
Việc cập nhật các xu thế ADR trên thế giới hiện đang nhận được sự quan tâm, thích ứng kịp thời tại các nền tài phán trong khu vực. Đặc biệt, Châu Á được ghi nhận là một trong những khu vực phát triển ADR nhanh nhất trên thế giới cũng đặt ra những yêu cầu phát triển tương ứng ở cộng đồng những người thực hành ADR.
Từ đó, thúc đẩy các phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả để thích ứng với bối cảnh một châu Á đang có nhiều cú chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.