Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy, chỉ còn 5 tháng để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện giải ngân toàn bộ vốn của chương trình. Hiện tỷ lệ giải ngân đã đạt hơn 78%.
Thời gian còn lại không nhiều, theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị người đứng đầu các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; đồng thời, các đơn vị phải báo cáo, làm rõ tình hình phân bổ, giải ngân dự kiến đến hết năm 2024.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp chậm trễ, không giải ngân hết số vốn thuộc chương trình.
Về giải ngân đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết tháng 7, tỷ lệ thực hiện đạt gần 35% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm trước (37,8% kế hoạch). Cả nước còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp như: Dự án Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh… Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cũng chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 12%...
Về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 31/7/2024, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết khoảng 26.345,48 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư, đạt 97% kế hoạch và 19.678,933 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 100% dự toán cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ước giải ngân vốn đầu tư công khoảng 11.841 tỷ đồng, đạt khoảng 44% kế hoạch.
Thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, kinh tế nước ta 7 tháng đã phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát," Bộ trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực tỷ giá vẫn là thách thức lớn, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao, yêu cầu chính sách tiền tệ phải dành nhiều nguồn lực hơn để ứng phó.
Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật mặc dù được tích cực thay đổi, nhưng vẫn còn có những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…
Một trong những giải pháp được Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh đến; đó là: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các địa phương được giao nguồn vốn đầu tư công lớn, bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh đầu tư trong các ngành sản xuất kinh doanh chính; đẩy nhanh việc xử lý ngân hàng yếu kém, ngân hàng kiểm soát đặc biệt, các doanh nghiệp yếu kém, dự án chậm tiến độ…