Thừa Thiên - Huế: Chấn chỉnh tình trạng cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm ở vùng cát nội đồng

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu đến ngày 15/5/2017 các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên vùng cát nội đồng ở Quảng Điền phải hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm môi trường, hoàn thiện hệ thống xử lý và kiểm soát chất thải để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Sau thời điểm trên, nếu các chủ trang trại không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ sản xuất, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một hộ gia đình đầu tư trang trại trên vùng cát nội đồng ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Trong những năm gần đây, các trang trại chăn nuôi trên vùng cát nội đồng ở huyện Quảng Điền phát triển rất mạnh. Hiện địa phương này có 102 trang trại chăn nuôi ở vùng cát nội đồng với diện tích 390 ha; trong đó ở xã Quảng Lợi có 42 trang trại, xã Quảng Vinh có 29 trang trại, xã Quảng Thái có 23 trang trại. Việc chăn nuôi ở nhiều trang trại đã gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều trang trại không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi thôi thối, cùng với việc nhiều chủ trang trại tự ý đào cát đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm. UBND huyện Quảng Điền đã yêu cầu các chủ trang trại chăn nuôi cam kết xử lý và kiểm soát chất thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng ở địa phương, hướng dẫn chủ trang trại chăn nuôi phát triển sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường.

Vùng cát nội đồng ở Thừa Thiên- Huế có diện tích trên 49.000 ha, tập trung ở các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang... Những năm gần đây, tỉnh có chủ trương phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi ở vùng cát nội đồng. Mô hình chăn nuôi này đã và đang phát triển rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, thủy lợi… chưa đáp ứng được yêu cầu nên nhiều trang trại chăn nuôi đã gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã ban hành “Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, cơ sở chăn nuôi từ 1.000 m2 trở lên phải cách khu dân cư tối thiểu 500 m, cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hơn 1.000 m2 phải cách khu dân cư tối thiểu 300 m.

Về xử lý chất thải, các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi trước khi thải ra môi trường phải được xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành.

Tường Vi (TTXVN)
Đồng Nai khẩn trương xử lý các 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường
Đồng Nai khẩn trương xử lý các 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường

Trên địa bàn Đồng Nai đang tồn tại 12 “điểm nóng” và hàng chục cơ sở gây ô nhiễm môi trường buộc phải di dời. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đồng Nai, công tác khắc phục và di dời hiện vẫn còn chậm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN