Quỹ không được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của quỹ. Ngân sách nhà nước bố trí dự toán hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hoạt động (chi hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp và chi hoạt động quản lý); khác với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
"Đây là mô hình mới, phù hợp với đặc thù của quỹ, nhưng chưa được quy định trong pháp luật hiện hành, theo tờ trình của Chính phủ. Chính phủ đề xuất thực hiện theo mô hình quy định tại dự thảo Nghị định để bảo đảm khả thi, phù hợp với đặc thù của quỹ trong việc hiện nhiệm vụ chi hỗ trợ và chức năng tiếp nhận các nguồn tài chính (trong và ngoài ngân sách nhà nước), không gắn nhiệm vụ chi của quỹ với các quy định quản lý về ngân sách nhà nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, Dự thảo Nghị định quy định về nguyên tắc áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí của Quỹ Hỗ trợ đầu tư: Tiền hỗ trợ từ quỹ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập của doanh nghiệp.
Hiện nay, tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang trình Quốc hội đã bổ sung quy định khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong khi chờ Luật được Quốc hội thông qua (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), cần cho phép các doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ quy định tại Nghị định được áp dụng quy định này từ năm 2025. Điều này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để bảo đảm chặt chẽ, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ bổ sung quy định hiệu lực trở về trước đối với trường hợp miễn thuế đối với khoản ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp công nghệ cao trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dự thảo Nghị định có 06 Chương và 45 Điều. Việc ban hành Nghị định là hết sức cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đầu tư; củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; ổn định môi trường đầu tư; đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia trong nước và nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.
Về đối tượng áp dụng, Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với Quỹ, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đáp ứng tiêu chí và điều kiện tại Nghị định này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Đối tượng áp dụng hỗ trợ đầu tư gồm: doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển. Tiêu chí xác định doanh nghiệp cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đang được quy định tại pháp luật công nghệ cao.
Theo đó, về điều kiện và tiêu chí hưởng hỗ trợ, theo Dự thảo là, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao: có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm (trừ một số trường hợp được quy định tại Dự thảo).
Phương thức hỗ trợ là chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ chi phí. Đây là hình thức hỗ trợ chi phí đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và phù hợp với nguyên tắc OECD.
Do đó, việc áp dụng hỗ trợ cho đối tượng này sẽ không gây xáo trộn so với quy định hiện hành. Phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế dài hạn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt trong các ngành nghề lĩnh vực công nghệ cao đang là xu hướng mới trên thế giới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy việc đưa hoạt động Trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) về Việt Nam để nâng cao nền tảng công nghệ gốc, phát triển nhân lực khoa học công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời, tập trung nguồn lực nhằm thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên; tránh ưu đãi dàn trải, tạo sự đột phá để đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam, hạn chế tối đa tác động đến ngân sách nhà nước.
Dự thảo Nghị định này vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 40 vừa qua.