Theo Bộ trưởng từ năm 2018 đến hết tháng 12/2021 thì các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4.400 tỷ đồng. Theo đó, một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.694,77 tỷ đồng; Google là 1.618,42 tỷ đồng; Microsoft là 576,62 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ dịch vụ số xuyên biên giới đạt 1.143,76 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.317,78 tỷ đồng, bằng 115,2% năm 2020.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ động xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới và môi trường mạng xã hội. Doanh nghiệp ở nước ngoài khi bán hàng qua biên giới sẽ trực tiếp kê khai thuế tại cổng này, đồng thời thực hiện nộp thuế từ ngày 21/3.
"Trong nước, chúng tôi đã kết nối cơ sở dữ liệu của thuế với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an để lấy mã định danh dân cư làm mã định danh thuế. Từ đó, việc mua bán online được kiểm tra hết sức nhanh gọn, chính xác và loại bỏ được các mã số thuế ảo", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Thời gian tới, người nộp thuế cũng có thể nộp thuế trên các ứng dụng của điện thoại di động, thay vì phải đến cơ quan thuế.
Về mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, do còn phải nhập khẩu nên vẫn có sự phụ thuộc vào giá dầu thô thế giới.
Theo Bộ trưởng, nếu giá dầu thô thế giới ở mức 130 USD/ thùng thì giá cơ sở tính là 18.855 đồng, áp dụng mức thuế nhập khẩu 8% với khoảng 1.508 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% tương đương trên 2.000 đồng, chi phí định mức 6% tương đương trên 1.000 đồng, phí môi trường 4.000 đồng mỗi lít xăng, thuế giá trị gia tăng trên 2.800 đồng… Tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu chiếm 33,5%. Vì thế, theo Bộ trưởng, phương án giảm thuế cũng chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp đồng bộ. Bộ trưởng cũng cho biết, giá dầu thô thế giới 130 USD/thùng thì với mức giảm phí bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít và 1.000 đồng/lít dầu xăng như dự kiến sẽ giảm thu ngân sách khoảng 31,9 nghìn tỷ đồng.
“Giá dầu thô tăng lên nền kinh tế của chúng ta rất thiệt hại, càng tăng lên sản xuất càng đình trệ. Sắp tới, cùng với phương án giảm thuế. Bộ Tài chính, Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ một số giải pháp như góp phần đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu xăng dầu…”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết xăng dầu là hàng thiết yếu nhưng vẫn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt bởi thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu và nhà sản xuất/nhà nhập khẩu xăng dầu sẽ phải nộp loại thuế này. Theo quy định, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá đều bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Đó là lý do mà thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay.