Ông Phạm Thành Minh, thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức cách đây gần 10 năm, ông Minh được Hội Nông dân huyện Châu Đức hỗ trợ đi tham quan vườn roi An Phước ở các tỉnh miền Tây, ông nhận thấy cây roi An Phước có giá trị kinh tế cao và thị trường luôn có nhu cầu, dễ tiêu thụ.
Sau khi tham quan về, ông đã cải tạo vườn tạp trước đây trồng ngô, sắn xen với điều, cam, quýt hiệu quả không cao để trồng giống roi An Phước (giống đặc sản của tỉnh Tiền Giang).
Ban đầu, ông Minh mua hơn 200 cây giống về trồng trên 6 sào đất nhà. Sau thời gian chăm sóc, tỉa bỏ bớt những cây ốm yếu, lựa chọn cây tốt để lại…, vườn roi của nhà ông Minh hiện còn 100 cây. Mỗi năm cho thu hoạch 2 đợt chính vụ từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và từ tháng 9-10 âm lịch hằng năm. Những tháng còn lại sẽ là thời gian dưỡng cây, ông Minh sẽ không thu hoạch trái. Vườn roi nhà ông Minh được thương lái tại Bà Rịa và các vùng lân cận đến vườn thu mua trực tiếp, với đầu ra, giá cả ổn định.
Theo ông Minh, kỹ thuật trồng khá đơn giản, cây có thể cho trái quanh năm, nhưng gặp điều kiện thời tiết bất lợi, trái roi có thể bị các loại sâu đục trái, làm giảm chất lượng hoặc trái bị rụng thì ông chỉ sử dụng thuốc hữu cơ để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Minh cho biết thêm, muốn roi cho trái tròn lớn, ngọt, màu sắc bắt mắt, phải chú ý phân bón đúng thời điểm, cắt tuyển trái non để trái không bị chèn ép và phân bố đều trên các tán cây.
“Giống roi này có đặc điểm là dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phân bón ít nên chi phí đầu tư thấp. Giống roi An Phước từ khi ra hoa đến ngày thu hoạch chỉ hơn 2 tháng. Ưu điểm là trái to, ngọt, giòn và mọng nước… nên được thị trường ưa chuộng. Với giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg và đầu ra ổn định nên thu nhập của gia đình khá ổn định, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 20 tấn, sau khi trừ chi phí ông còn thu về khoảng 200 triệu đồng/năm”, ông Minh nói.
Gia đình anh Đàm Huy Minh, ngụ thôn Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cũng là hộ dân chuyển đổi từ ruộng lúa và vườn cây cà phê năng suất thấp, không phù hợp với vùng đất của gia đình sang trồng cây roi; trong đó, có vườn đã được gia đình anh trồng cách đây gần 20 năm, có một phần diện tích cũng mới được anh chuyển đổi và đang bắt đầu cho trái bói. Hiện nay, với 6 sào đất gia đình anh Minh đang trồng 200 gốc roi giống An Phước.
Anh Minh chia sẻ, sau khi được tham quan các mô hình trồng roi ở miền Tây, anh quyết định chuyển đổi sang trồng cây roi, với thời gian gần 3 năm cây roi đã cho thu trái. Sau nhiều năm gắn bó với cây trồng này, anh Minh cho biết, đầu ra, giá cả của loại cây trồng cũng rất ổn định do hiện nay tại địa phương cũng còn ít người trồng.
Cũng theo anh Minh, cây roi có đặc điểm rất dễ trồng, nhanh lớn và phát triển tốt trên nhiều vùng đất, nhưng trái cây thường bị ruồi vàng tấn công nên dễ bị sâu bệnh. Để an toàn cho người sử dụng, gia đình anh phải dùng chế phẩm sinh học tự chế để phun xịt. Một năm, vườn roi của gia đình anh Minh cũng cho thu hoạch 2 đợt từ tháng Giêng đến tháng 3 và từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Còn lại là thời gian dưỡng và chăm sóc cây.
Hiện nay, với 200 gốc roi, mỗi năm gia đình anh Minh thu về khoảng gần 40 tấn roi, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng. Đến nay, thành công từ mô hình của gia đình, anh Minh còn tích cực hướng dẫn người dân trong vùng kỹ thuật làm đất, trồng roi để tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, mô hình chuyển đổi từ các vườn cây kém hiệu quả sang trồng roi An Phước trên địa bàn huyện Châu Đức được đánh giá là mô hình phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện đề xuất các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân phát triển những mô hình vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, tăng thu nhập, góp phần tích cực cho các địa phương trên địa bàn huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2020.