Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách và pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về tình hình công nhân lao động hiện nay, cũng như ý nghĩa của việc tăng lương tối thiểu vùng nhằm xây dựng mối quan quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Xin ông cho biết, việc tăng lương vào thời điểm này có phù hợp không và điều đó có ý nghĩa thế nào đối với người lao động?
Chúng ta biết rằng, hơn 2 năm qua, trước tác động của đại dịch COVID-19, đời sống của người lao động gặp vô vàn khó khăn do tiền lương, thu nhập liên tục bị giảm sút, giá cả sinh hoạt tăng cao, nhất là vào những tháng đầu năm 2022. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng là hết sức cần thiết, đảm bảo cho người lao động cải thiện đời sống, đồng thời tạo động lực cho họ lao động, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, yên tâm sản xuất với một tâm thế, trách nhiệm cao, khắc phục những khó khăn.
Với những người đã rời khỏi thị trường lao động, đây cũng là thông điệp để thu hút họ trở lại, yên tâm lao động, công tác. Tăng lương tối thiểu vùng có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động, giúp họ phần nào ổn định cuộc sống, có thêm động lực để quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh với tinh thần tốt hơn.
Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách tiền lương quy định, từ năm 2021, định kỳ hàng năm sẽ tổ chức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2016-2021, mức lương tối thiểu tại nước ta đã được điều chỉnh 4 lần. Mức điều chỉnh bình quân mỗi năm là 7,4%. Tuy nhiên, 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên chúng ta đã trì hoãn điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Hiện mức sống tối thiểu của người lao động; chỉ số giá tiêu dùng; quan hệ cung - cầu lao động hay điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đã có bước phát triển; GDP đã tăng 5%... Vì vậy, với khó khăn của người lao động như hiện nay, việc Hội đồng Tiền lương quyết định thống nhất cao để đề xuất với Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1/7/2022 là thời điểm hết sức phù hợp, cần thiết với người lao động, cho họ có niềm tin và tâm thế lao động với năng suất, chất lượng tốt nhất, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp. Việc chậm điều chỉnh lương tối thiểu vùng hơn 1 năm cũng nằm trong giới hạn và sức chịu đựng của người lao động. Điều đó cho thấy họ đã đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp.
Đối với người sử dụng lao động, đây là thời điểm tốt nhất để phục hồi sản xuất kinh doanh, thu hút lao động trong tình hình thị trường thiếu hụt lao động trầm trọng sau đại dịch. Thực tế cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, gây nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp ở các nước càng phải tăng lương tối thiểu để thu hút, giữ chân người lao động.
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 không chỉ khiến người lao động rơi vào tình cảnh khó khăn, mà nhiều doanh nghiệp cũng trở nên lao đao. Theo ông, việc tăng lương liệu có gây khó khăn cho doanh nghiệp, hay ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh không?
Dịch COVID-19 khiến người lao động chỉ đủ sống, khi khó khăn không có tích lũy, đó cũng là lý do chính khiến lao động muốn làm thêm giờ. Bên cạnh đó, tiền lương cũng khiến cho quan hệ lao động bất ổn. Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ ngừng việc tập thể lớn đã xảy ra, nguyên nhân chính là do vấn đề tiền lương thấp. Gần hai năm nay, Nhà nước không điều chỉnh tiền lương, vì thế doanh nghiệp cũng không có lý do để tăng lương.
Chúng ta phải khẳng định, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng chắc chắn sẽ tác động đến doanh nghiệp trong điều kiện đang khó khăn về nguồn vốn, nhưng cũng có nhiều yếu tố có lợi vì sẽ tạo cho người lao động một tâm thế lao động, làm việc với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Đối với người lao động đã rời khỏi thị trường lao động, khi tăng mức lương tối thiểu vùng sẽ là động lực thu hút họ quay lại làm việc, giúp cho doanh nghiệp có thể thu hút nguồn nhân lực.
Theo ông, người lao động cần làm gì để xứng đáng với sự quan tâm, chia sẻ của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, lợi ích cho cả hai bên?
Có thể nói sự sẻ chia, đồng hành giữa người lao động và người sử dụng lao động được thể hiện rất rõ nét trong bối cảnh Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng. Doanh nghiệp thấu hiểu khó khăn của người lao động, người lao động cũng cần phải có sự chia sẻ, đồng hành với người sử dụng lao động để chúng ta có thái độ làm việc, sản xuất với một tinh thần hết sức trách nhiệm, cùng nhau vượt qua khó khăn. Có thể nói, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định là mục tiêu xuyên suốt trong thời điểm hiện nay. Để làm tố điều đó, cần tăng cường việc chia sẻ thông tin, các bên đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng, thỏa thuận phù hợp với điều kiện mỗi bên.
Xin ông cho biết, thời gian tới, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục có những hoạt động gì để hỗ trợ công nhân, lao động tìm kiếm việc làm bền vững và ổn định tâm lý trong cuộc sống?
Quán triệt tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng mối quan hệ lao động ổn định hài hòa, tiến bộ, đảm bảo việc làm bền vững, tổ chức Công đoàn đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tăng cường công tác chăm lo đời sống vật chất cho người lao động, đảm bảo cải thiện cho người lao động bằng nguồn lực trực tiếp của tổ chức Công đoàn cũng như xã hội hóa. Đặc biệt, Công đoàn các cấp cần đẩy mạnh tham gia các hoạt động với người sử dụng lao động để tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, để họ gắn bó, có việc làm bền vững với doanh nghiệp.
Thứ hai, tổ chức Công đoàn sẽ tăng cường chức năng bảo vệ cho người lao động, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, thanh, kiểm tra để đảm bảo việc thực thi pháp luật về lao động, công đoàn, vấn đề an sinh xã hội và các hoạt động đầu tư thiết chế cho người lao động.
Chúng ta biết rằng qua đợt dịch này, người lao động đối diện với rất nhiều khó khăn về nhà ở bên cạnh các vấn đề nuôi dạy con cái. Công đoàn tích cực tham gia xây dựng các chính sách, đề xuất chính sách, đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc…, hướng tới mục tiêu để người lao động có một cuộc sống tốt đẹp hơn, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp và việc làm bền vững; tránh tình trạng tranh chấp lao động, hay rút bảo hiểm xã hội 1 lần mà nguyên nhân là do việc làm không bền vững khiến người lao động gặp nhiều khó khăn…
Trân trọng cảm ơn ông!