Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) nhận định: Tình hình thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam đang dần tích cực. Mặc dù ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm, vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần trong tháng 8/2023 tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể: Đến ngày 20/8, tổng vốn FDI đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đầu mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 4,47 tỷ USD, tăng 62,8%. Tuy nhiên nguồn vốn tăng thêm chỉ đạt 4,53 tỷ USD, giảm 39,7%.
“Nguồn vốn đầu tư điều chỉnh có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm nay. Mức giảm của 8 tháng năm nay chỉ còn 39,7%, thấp hơn mức giảm 42,5% trong 7 tháng năm 2023, cũng như các mức giảm 57,1% trong 6 tháng đầu năm nay; 59,4% trong 5 tháng; 68,6% trong 4 tháng; 70,3% trong 3 tháng và mức giảm 85,2% trong 2 tháng đầu năm 2023. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ. Với tốc độ này kỳ vọng niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận xét.
Cụ thể: Tổng vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng năm nay (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.924 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 8,87 tỷ USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 39,7% về số vốn đăng ký.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 7,55 tỷ USD, chiếm 85,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 472,4 triệu USD, chiếm 5,3%; các ngành còn lại đạt 851,8 triệu USD, chiếm 9,6%.
Trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,45 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,88 tỷ USD, chiếm 21,2%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1,15 tỷ USD, chiếm 13%; Đài Loan 700,4 triệu USD, chiếm 7,9%; Nhật Bản 555,4 triệu USD, chiếm 6,3%; Hàn Quốc 459,2 triệu USD, chiếm 5,2%.
Theo lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính - ngân hàng; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,7 lần) và gần 800 triệu USD (tăng 28,9%). Còn lại là các ngành khác.
Theo đối tác, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2022; Trung Quốc đứng thứ hai với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 90,8% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14,2% tổng vốn đầu tư, tăng 73,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,...
Nếu xét góc độ địa bàn, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022; Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ; tiếp theo lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương,…
"FDI vào các nước trên thế giới đã sụt giảm một thời gian sau khi đạt đỉnh vào năm 2015 như một phần của xu hướng 'đảo ngược toàn cầu hóa' và 'phân mảnh địa kinh tế'. Ngược lại, dòng vốn FDI vào châu Á tiếp tục tăng cao hơn với bước nhảy vọt đáng chú ý trong 3 năm qua. Có thể thấy, đại dịch ít ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư chảy vào khu vực này. Dòng vốn FDI vào châu Á đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010", báo cáo về vốn FDI của ngân hàng HSBC cho hay.
Trước đó, Thứ trưởng KH&ĐT, ông Trần Quốc Phương nhận định: Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với rất nhiều lợi thế.
Cụ thể: Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như: Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)...
Bên cạnh đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn.
“Bộ đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.