Trước đó, ngày 30/5/2022 UBND huyện Tu Mơ Rông đã xác nhận với Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có nội dung “Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã và đang sản xuất, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông theo quyết định 4025 ngày 18/12/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ”.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, thực tế dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai mới được 4 năm, đến tháng 10/2022 dự án mới được UBND tỉnh cho chủ trương về liên kết đưa sâm nuôi cấy mô ra trồng thử nghiệm dưới tán rừng cho nên chưa có cơ sở khẳng định đã khai thác sâm Ngọc Linh. Do vậy, UBND huyện Tu Mơ Rông thực hiện việc thu hồi Giấy xác nhận ngày 30/5/2022 của Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Trước đó, ngày 4/1, TTXVN đã có bài Kon Tum chấn chỉnh việc lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh. Theo bài viết, Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum là một thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam (Tập đoàn).
Theo giới thiệu, Tập đoàn đang sở hữu hơn 7.000 ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh, nơi cây sâm Ngọc Linh đầu tiên được tìm thấy. Tập đoàn đã trồng hơn 600 ha. Tập đoàn có tham vọng mở 300 showroom trên cả nước, 35 showroom ở nước ngoài chuyên bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên thực tế, Tập đoàn trên chưa trồng sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô thành công (mới bàn giao thực địa). Việc liên doanh, liên kết với người dân để trồng sâm Ngọc Linh được chính quyền các cấp ở huyện Tu Mơ Rông không xác nhận. Thực tế, diện tích 600 ha của Tập đoàn là chỉ trồng trên… giấy vì tại Kon Tum người dân trồng được hơn 60 ha (chưa tính 2 doanh nghiệp được tỉnh công nhận là Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô).
Tại tỉnh Quảng Nam, hiện có 12 công ty, doanh nghiệp trồng hơn 34 ha. Đây là 2 địa phương có cùng chung đỉnh núi Ngọc Linh nơi Tập đoàn công bố vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới.