Từng bước gỡ nút thắt trong việc xem xét nâng hạng
Tại Diễn đàn “Đối thoại tháng 7” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 19/7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết: Về pháp lý, UBCKNN đang tích cực làm việc với các thành viên thị trường, các tổ chức trong và ngoài nước để đề ra giải pháp khả thi đối với những vướng mắc trong xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Thông qua Dự thảo Thông tư sửa đổi, sẽ bổ sung 4 Thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin, nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Thời gian qua, UBCKNN đã và đang khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý, từng bước gỡ các nút thắt trong việc xem xét nâng hạng theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế; đồng thời phối hợp tích cực với các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Các giải pháp, quy định mới trong Dự thảo Thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. "UBCKNN kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng TTCK Việt Nam", lãnh đạo UBCK cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tiếp tục làm việc với Bộ, ngành có liên quan như: Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Các Bộ, ngành đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến thời điểm này, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư đã vượt con số 8 triệu tài khoản. Dù vậy tại Việt Nam, số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chiếm hơn 90%, trong khi ở nhiều quốc gia khác, số lượng nhà đầu tư tổ chức thường chiếm tỷ lệ cao hơn.
Tính đến cuối tháng 6/2024, TTCK có mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt hơn 7 triệu tỷ đồng (khoảng 280 tỷ USD), tương đương 69% GDP. Giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 24.598 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD/phiên; tăng 39,9% so với bình quân năm trước. TTCK thu hút được một hệ sinh thái nhà đầu tư trong và ngoài nước với trên 8 triệu tài khoản.
Thông thoáng hơn với nhà đầu tư nước ngoài
Bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận: 2024 là năm khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cao và kéo dài và việc kéo dài này lớn hơn so với dự kiến. Thông tin gần đây cho rằng: Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9/2024 nhưng thông tin này chưa phải là chắc chắn.
Trong khi đó, vào năm 2023, NHNN liên tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, dẫn tới chênh giữa lãi suất đồng Việt Nam và USD duy trì ở mức âm cao, tác động lớn tới tỷ giá và sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Mặt khác, nhu cầu ngoại tệ lớn để thanh toán nhập khẩu trong quá trình kinh tế hồi phục cũng là áp lực lớn. Do vậy, thời gian qua, NHNN cũng phải nỗ lực để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá.
"Dự trữ ngoại hối như hồ điều hòa liên tục. Tính chuỗi dài nhiều năm liên tục, dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể. So với cuối năm 2015, dự trữ ngoại hối tăng gần 3 lần", bà Nguyễn Linh Phương cho biết.
Trong thời gian tới, NHNN vẫn nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ duy trì thông suốt, đảm bảo tỷ giá và lãi suất diễn biến phù hợp góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo đánh giá của bà Nguyễn Linh Phương, những áp lực hiện đã giảm khá nhiều so với trước kia, hy vọng khó khăn của thị trường sớm kết thúc.
Liên quan đến Quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong thời gian qua, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Dragon Capital cho biết: Nhóm này đã bán ròng liên tiếp kể từ năm 2023 đến nay với lượng bán ròng khoảng 4 tỷ USD. Riêng từ đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng 2 tỷ USD.
Theo ông Dominic Scriven, có những yếu tố khách quan khó tác động. Yếu tố lớn nhất là tăng lãi suất của Mỹ 2 năm nay ảnh hưởng nhiều tâm lý nhà đầu tư và chiến lược đầu tư. Nếu Việt Nam chưa có nâng hạng, điều này tác động vào tư duy của nhà đầu tư nước ngoài. Khi giới thiệu định chế tài chính với mong muốn họ đầu tư vào Việt Nam thì phải chuẩn bị bài giới thiệu nhưng rất khó thuyết phục vì "Việt Nam không nằm trong chỉ số nên người ta coi khoản đầu tư dự kiến đó là ngoại lệ".