Thông tin thị trường: Doanh nghiệp còn 'mò kim đáy bể'

Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia thương mại quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore hay Philippines...

Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận thông tin thị trường, nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường mới. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cũng đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đánh giá rất cao về các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đánh dấu sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam hòa vào dòng chảy hội nhập và nắm bắt các cơ hội giao thương quốc tế.

Trong những năm gần đây, Chính phủ chủ trương cùng các bộ ngành nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Tuy nhiên, điều đáng nói là với tỷ lệ 96% các doanh nghiệp Việt Nam hiện có quy mô vừa và nhỏ thì chỉ có 21% trong số đó tham gia vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu và chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia thương mại quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore hay Philippines... Đây cũng là điểm yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân được phân tích là do nhiều doanh nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận thông tin thị trường, nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường mới. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc, Công ty OIC cho rằng, muốn đóng góp được nhiều hơn vào kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nền kinh tế thì các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được cung cấp nhiều kiến thức cũng như biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn nữa thay vì tình trạng như hiện nay doanh nghiệp còn "mờ mịt" và thiếu các thông tin về thị trường, về nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu của các thị trường xuất khẩu nước ngoài...

Ngay với các thị trường "gần gũi" trong cùng khu vực ASEAN, vấn đề tiếp cận thông tin đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng không dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH Benew (chuyên sản xuất hàng may mặc) cho biết, do hàng hóa Việt Nam và các nước ASEAN có sự tương đồng nên khó xuất khẩu, nhất là mặt hàng dệt may. Vì thế, qua nhiều lần xúc tiến đầu tư, doanh nghiệp mới chỉ trong quá trình tìm hiểu và chưa tiến tới hoặc triển khai bất kỳ dự án kinh doanh nào.

Đại diện Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh, ông Phạm Minh Hoàng, Cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu cho biết, những thông tin được cung cấp về các đối tác đầu tư từ những cơ quan, ban ngành chức năng còn rất chung chung, thiếu chi tiết cụ thể. Điều mà doanh nghiệp cần là nắm được thị trường nhắm tới có nhu cầu không, ai đang cần nhập khẩu mặt hàng này.


Theo ông Hoàng, hiện nay, doanh nghiệp đang trong tình trạng không biết mình có đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay không. Trong khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp hiện mạnh nhất trong lĩnh vực thiết bị điện nhưng với tình hình này thì doanh nghiệp không có cơ hội cạnh tranh, không tiếp cận được với thị trường khi thiếu các thông tin về thị trường...

Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động thúc đẩy các thương vụ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thông tin từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nội dung đề cập của các buổi hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, diễn đàn hợp tác... cũng cần chú trọng nhiều hơn vào các thông tin đối tác, nhu cầu thị trường...Qua đó, giúp doanh nghiệp các bên có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu và gặp gỡ, cốt sao phải tiến tới được đơn hàng và đạt được kết quả, hiệu quả hợp tác kinh doanh. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin mà doanh nghiệp cần là điều vô cùng quan trọng, để tránh tình trạng "mò kim đáy bể" như hiện nay.
 
Thạch Huê (TTXVN)
Doanh nghiệp lợi gì từ 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm?
Doanh nghiệp lợi gì từ 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm?

Việc Bộ Công Thương ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN