Nguyên nhân, do thời tiết diễn biến bất thường, có những đợt mưa to kéo dài từ 3 – 5 ngày kèm theo gió lốc và xen kẻ những ngày nắng nóng gay gắt làm ngập úng cục bộ, phát sinh sâu bệnh, biến động mạnh về môi trường nước gây bất lợi cho diện tích tôm nuôi.
Theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, diễn biến thời tiết bất thường trong 2 tuần vừa qua đã gây thiệt hại khoảng 600 ha lúa Hè Thu và rau màu với mức độ từ 50-100 % diện tích; hơn 20 ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trong giai đoạn 25-55 ngày tuổi bị chết vì bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, đỏ thân, bệnh đường ruột do biến động mạnh môi trường nước ao nuôi, sự chênh lệch cao về nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn.
Bà Phạm Thị Hồng Diễm, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết, trong 2 tuần qua, toàn huyện đã có gần 300 ha lúa trong giai đoạn 15-25 ngày tuổi và khoảng 85 ha hoa màu của nông dân bị thiệt hại do ngập úng , cháy lá vì xì phèn gặp nắng nóng. Xã Ngũ Lạc là địa phương có diện tích thiệt hại nhiều nhất huyện với hơn 220ha lúa, hoa màu bị thiệt hại từ 50 đến 100%.
Ông Lâm Thành Cảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết, hàng năm phải đến tháng 7, thời tiết mới có những đợt mưa lớn kéo dài, nhưng năm nay diễn biến thời tiết bất lợi sớm gần 2 tháng, nên đa số nông dân không có sự chuẩn bị ứng phó. Đối với hợp tác xã có 08 ha đậu bắp trong giai đoạn 25 ngày tuổi của 17 hộ thành viên trồng liên kết bao tiêu sản phẩm, nhưng đã bị ngập úng thiệt hại từ 70-100%. Bình quân, 1 ha đậu bắp hộ nông dân bị thiệt hại về chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng.
Trước tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo nông dân nhanh chóng làm đất gieo sạ lại diện tích lúa Hè Thu, chủ động tạo hệ thống mương, tưới tiêu, thoát úng trên đồng ruộng. Đối với cây màu, nông dân mạnh dạng áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, như: xây dựng nhà lưới, sử dụng màng phủ nông nghiệp, sử dụng hệ thống tưới phun và canh tác theo phương thức sản xuất nông nghiệp tốt, nhằm ứng phó với thời tiết bất thường, vừa có sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường với giá bán cao hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Trà Vinh, đối với vùng nuôi tôm nước mặn và lợ, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật xuống các địa bàn nuôi tập trung cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho tôm nuôi.
Cán bộ kỹ thuật kết hợp chính quyền các địa phương vận động nông dân thường xuyên theo dõi, quan trắc môi trường nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi. Khuyến cáo nông dân phải tuân thủ tuyệt đối lấy nguồn nước cấp vào ao lắng để xử lý trước khi đưa vào ao tôm nuôi; vận hành tốt hệ thống quạt oxy để hạn chế thấp nhất biến động xấu môi trường nước trong ao, giảm thiểu độ chênh lệch nhiệt độ; xử lý nước ao thải đảm bảo đúng kỹ thuật trước khi đưa ra môi trường bên ngoài tránh các mẩm bệnh phát sinh lây lan.