Thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới vụ hoa Tết ở Phú Yên

Thời tiết trong những ngày cận Tết Nguyên đán năm 2023 tại Phú Yên bất lợi với mưa kéo dài và gió mạnh trong nhiều ngày đã khiến một số vườn hoa lay ơn, cúc, quất của người dân bị thiệt hại. Hiện nông dân đang nỗ lực chăm sóc hoa để xuất bán cho thương lái đến thu mua.

Chú thích ảnh
Vườn quất của của chị Lê Thị Mùi (xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) bị vàng lá do mưa kéo dài. 

Gia đình chị Lê Thị Mùi, ở xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) trồng 500 chậu quất để bán trong vụ Tết Nguyên đán năm nay. Do mưa kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến cho các chậu quất bị úng nước, dẫn đến rụng trái và vàng lá.

Mặc dù chị Mùi đã cố gắng chăm sóc cây bằng cách bón phân và phun thuốc liên tục nhưng đến khi xuất bán ra thị trường cây quất vẫn bị giảm giá trị. Nếu như mọi năm, thương lái thu mua 300.000 đồng/chậu quất thì năm nay chị Mùi chỉ bán được 250.000 đồng/chậu. Cùng với chi phí phân bón tăng cao, năm nay, thu nhập từ vườn quất trong vụ Tết của chị Mùi giảm 40% so với mọi năm.

Tại khu vực trồng hoa cúc thuộc phường 9 (thành phố Tuy Hòa), nông dân đang lựa chọn những chậu hoa đẹp để xuất bán cho thương lái. Một số chậu hoa khác bị ngã đổ, hư hại do gió mạnh cách đây hơn hai tuần đang được nông dân tích cực chăm sóc để hoa nở đều, đẹp và đúng trong dịp Tết.

Chú thích ảnh
Nông dân Phường 9 (thành phố Tuy Hòa) tốn nhiều công sức chỉnh sửa các nhánh hoa cúc trước khi xuất bán ra thị trường.

Chị Đặng Thị Phượng, ở phường 9, thành phố Tuy Hòa cho biết, gia đình chị trồng gần gần 700 chậu hoa cúc để bán trong dịp Tết Nguyên đán năm nay nhưng mưa kéo dài kèm theo gió lốc đã khiến cho nhiều chậu hoa bị hư hại; tốn rất nhiều công sức và chi phí để chăm sóc. Vậy nên, dù giá bán hoa cúc cao hơn so với năm trước, dao động từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng thu nhập lại không cao sau khi trừ các chi phí như phân bón, thuốc, tiền công.

Phường 9 và xã Bình Kiến (thành phố Tuy Hòa) là hai vùng hoa Tết lớn nhất tỉnh Phú Yên với tổng diện tích khoảng 55 ha. Đến thời điểm này, đã có hơn 80% số chậu cúc và quất được thương lái đến đặt cọc tiền trước để mua sỉ. Số còn lại, nông dân đang chờ giá tăng thêm rồi xuất bán.

Trong khi đó, tại xã Bình Ngọc (thành phố Tuy Hòa), người dân trồng hoa lay ơn cũng đang gặp nhiều khó khăn khi gió mùa Đông Bắc và mưa kéo dài trong những ngày qua đã khiến cho cây hoa bị hư hại khá nhiều.

Ông Võ Tấn, người dân xã Bình Ngọc (thành phố Tuy Hòa) cho biết, năm nay ông trồng hoa lay ơn để bán dịp Tết Nguyên đán với diện tích 1.500 m2. Tuy nhiên, mưa và lạnh kéo dài từ đầu tháng Chạp đến nay đã khiến cho gần một nửa diện tích trồng hoa của ông bị hư hại, không kịp xuất bán trong vụ Tết.

Chú thích ảnh
Nông dân tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) xuất bán hoa cúc cho thương lái. 

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Ngọc (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), các đợt gió mạnh và mưa lớn vào giữa tháng 12/2022 đã khiến cho hoa lay ơn của nhiều hộ dân tại địa phương bị hư hại. Đến thời điểm này, hoa vừa được khôi phục thì tiếp tục gặp mưa kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây hoa, lượng bông hư hại nhiều và nở không kịp trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài xã Bình Ngọc (thành phố Tuy Hòa), xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cũng là địa phương có diện tích trồng hoa lay ơn nhiều tại tỉnh Phú Yên với gần 20 ha. Tuy nhiên, với thời tiết mưa gió kéo dài đã khiến cho gần một nửa diện tích bị hư hại khiến cho nông dân không thể có hoa bán trong dịp Tết Nguyên đán. Đối với số hoa lay ơn còn lại có thể bán trong dịp Tết, người nông dân cũng đang lo lắng khi thời tiết diễn biến bất thường.

Bài và ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Hà Nội khai mạc chợ hoa Tết truyền thống
Hà Nội khai mạc chợ hoa Tết truyền thống

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức khai mạc chợ hoa Tết truyền thống Hàng Lược và các hoạt động tại không gian bích họa Phùng Hưng phục vụ Tết Quý Mão 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN